Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm

Thủ tướng yêu cầu tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng.
Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn Chính phủ chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 9/9, tại phiên Họp báo Chính phủ tháng 8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết trong phiên Họp Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ trọng tâm chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay tại phiên họp các thành viên Chính phủ đã thống nhất nhận định kinh tế-xã hội tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, duy trì đà kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Từ đó, tạo điều kiện để đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

[Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn]

Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần với CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%). Qua đó, tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế; tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Thu Ngân sách Nhà nước 8 tháng cả nước đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 8 ước tính là 132.000 tỷ đồng); nợ công, nợ Chính phủ, bội chi Ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại và trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, cả nước đã xuất siêu gần 20,2 tỷ USD.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD.

Công nghiệp tiếp tục đà phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%); trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất trong tháng 8 đạt 50,5 điểm, thể hiện lĩnh vực sản xuất được mở rộng với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.

Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 0,9% so với tháng 7 và tăng 7,6% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 10%.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm ảnh 2Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 297.700 tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch, tăng 2,95% về tỷ lệ và tăng 85.000 tỷ đồng về số tuyệt đối.

Tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3%.

Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực và tháng 8 đã có trên 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7.

Tính chung 8 tháng có 149.400 doanh nghiệp gia nhập thị trường, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124.700.

Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu đến cuối năm là kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra; tập trung nắm chắc tình hình, xây dựng các phương án, kịch bản, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, vừa có những giải pháp đột phá trong ngắn hạn, vừa có giải pháp căn cơ, dài hạn.

Trọng tâm chỉ đạo điều hành là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư toàn xã hội, huy động nguồn lực toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới.

Đồng thời, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.

Về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo, khôi phục chuỗi cung ứng; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ.

Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp để gỡ thẻ vàng của EU.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục