Tại buổi tọa đàm “Chính sách công nghệ và vai trò quyết định của năng lực tổ chức” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 22/8, giáo sư Mushtaq Khan cho rằng Việt Nam cần tập trung xây dựng năng lực tổ chức của các công ty công nghệ trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Chính sách công nghệ trung bình sẽ tạo ra nhiều việc làm phù hợp với quy mô ở Việt Nam.
Giáo sư Mushtaq Khan nhấn mạnh nếu tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào công nghệ cao thì cũng không thể tạo được tăng trưởng toàn diện nên các ngành công nghệ trung bình sẽ có tiềm năng bắt chước, lặp lại và phổ biến ra diện rộng.
Không một nước nào có được một thị trường hoàn hảo. Bởi vậy, việc sao chép hoàn toàn mô hình chính sách can thiệp Nhà nước của nước khác áp dụng cho một nước là không thể phù hợp, bởi mỗi nước có một thể chế khác nhau.
Không chỉ riêng Việt Nam mà hầu hết các quốc gia đều gặp thách thức chính sách là tìm ra những thất bại của thị trường ngăn cản phát triển công nghệ như việc thực hiện hay đối xứng thông tin. Có nhiều giải pháp cho vấn đề này, mỗi giải pháp có nhiều đặc quyền, đặc lợi và quan trọng là năng lực quản lý đặc quyền đặc lợi.
Năng lực tổ chức quy mô rộng hiệu quả hơn nhiều so với năng lực sản xuất của cá nhân. Đó là lý do các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc đã thành công về công nghệ. Ở các nước này, các công ty trong nước được hỗ trợ về năng lực tổ chức và nhân rộng ra cấp độ lớn hơn.
Một ví dụ điển hình ở Ấn Độ là trước những năm 1980, Ấn Độ rất kém trong sản xuất và năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất ôtô, nhưng sau thời điểm đó đã có sự đảo chiều với sự tăng trưởng lớn mạnh của ngành này. Đó là nhờ Ấn Độ xây dựng được hệ thống công nghệ mức trung bình cấp độ 1 và cấp độ 2, liên doanh với nước ngoài nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, cải cách công ty nhà nước của Ấn Độ, cho công ty nước ngoài các đặc quyền đặc lợi khi liên doanh, cải tổ công ty nội địa nhưng có sự quản lý chặt chẽ trong điều kiện của Ấn Độ.
Ở Việt Nam, những dự án lớn cũng có thể tham khảo áp dụng chính sách công nghệ đã thành công của Ấn Độ.
Giáo sư Mushtaq Khan chuyên về lĩnh vực kinh tế của Đại học London, là thành viên của Ủy ban các chuyên gia về hành chính công của Liên hợp quốc. Ông quan tâm nghiên cứu về lĩnh vực quản trị Nhà nước, kinh tế tổ chức, chính sách công nghiệp và cải cách quyền về tài sản ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở Nam và Đông Nam Á.
Giáo sư Mushtaq Khan tham gia hợp tác với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc để soạn thảo báo cáo về phát triển năng lực tổ chức cho khu vực công nghệ trung bình ở Việt Nam./.