Chấp nhận hòa giải

Tây Ban Nha: ETA chấp nhận trung gian hòa giải

Tổ chức ly khai xứ Basque (ETA) ở Tây Ban Nha chấp nhận trung gian hòa giải quốc tế nhằm giải quyết cuộc xung đột với Chính phủ.
Tổ chức ly khai xứ Basque (ETA) ở miền Bắc Tây Ban Nha ngày 19/9 tuyên bố sẵn sàng chấp nhận trung gian hòa giải của quốc tế nhằm giúp giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên qua với Chính phủ nước này.

Thông báo trên được đưa ra 2 tuần sau khi Chính phủ Tây Ban Nha bác bỏ tuyên bố ngừng bắn của ETA vì cho rằng điều này là "chưa đủ và không đáng tin cậy," đồng thời yêu cầu tổ chức ly khai này phải "giải giáp và vĩnh viễn từ bỏ" hoàn toàn bạo lực.

Theo tuyên bố được phát trên các nhật báo Gara và Berria của xứ Basque, ETA khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nhà trung gian hòa giải quốc tế nhằm tìm ra những giải pháp cần thiết cho tiến trình hòa bình của cả hai bên.

ETA cho biết sẽ xem xét những đề xuất của các nhà hòa giải quốc tế đưa ra hồi tháng 3 vừa qua tại Brussels (Bỉ), theo đó kêu gọi ETA tuyên bố lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, đơn phương, vô điều kiện và có kiểm chứng của cộng đồng quốc tế.

Trước đó, ngày 5/9, ETA đã tuyên bố ngừng bắn để tìm kiếm một giải pháp dân chủ cho chiến dịch đòi độc lập kéo dài suốt 42 năm qua ở Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha đã bác bỏ tuyên bố trên, cho rằng cam kết của ETA "không tính đến những gì mà đại đa số người dân xứ Basque yêu cầu và đòi hỏi từ ETA, đó là phải từ bỏ hoàn toàn hoạt động khủng bố."

ETA từng bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, đã gây ra các vụ tấn công ở Tây Ban Nha, làm gần 1.000 người chết kể từ khi phát động chiến dịch đòi độc lập cho xứ Basque năm 1960./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục