Tây Ninh chặn mầm dịch cúm gia cầm từ Campuchia

Lo ngại lớn nhất trong phòng chống dịch cúm gia cầm tại Tây Ninh là các loài chim mang mầm bệnh từ Campuchia có thể di cư sang.
Ngày 16/7, ông Nguyễn Văn Mấy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại Campuchia, lo ngại lớn nhất trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh hiện nay là các loài chim mang mầm bệnh từ nước láng giềng có thể di cư sang và truyền bệnh cho đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh, nhất là địa bàn các huyện biên giới.

Để đối phó với nguy cơ này, Cục Thú y Tây Ninh đang đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là người dân khu vực biên giới, về các biện pháp an toàn vệ sinh dịch bệnh trong chăn nuôi, mua bán, trao đổi và tiêu thụ sản phẩm gia cầm, đồng thời tăng cường kiểm dịch sản phẩm động vật, gia cầm sống vận chuyển, lưu thông trên địa bàn.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối tháng 7, Tây Ninh sẽ mở đợt tổng tiêu độc, sát trùng và tiêm phòng vắcxin phòng bệnh H5N1 cho toàn bộ đàn gia cầm, thủy cầm nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn 5 huyện biên giới. Đối với hộ nuôi tập trung và trang trại lớn, bắt buộc phải tự mua thuốc tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình. Khi xuất chuồng gia cầm sống, phải lấy mẫu xét nghiệm chứng minh là sản phẩm an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến cáo người dân, hộ chăn nuôi thường xuyên quan sát các loài chim di trú, khi phát hiện chim chết không rõ nguyên nhân phải kịp thời đốt, tiêu hủy, phun thuốc sát trùng để tránh dịch bệnh lây lan sang đàn gia cầm, thủy cầm.

Trong 3 tháng đầu năm 2013, huyện biên giới Bến Cầu đã xảy ra 5 điểm dịch cúm gia cầm, trong đó, tại các xã Tiên Thuận, Long Thuận và Long Giang phải tiêu hủy gần 5.000 con gà, vịt. Nguyên nhân được xác định là do loài chim mang mầm bệnh từ Campuchia di trú sang lây bệnh cho đàn gia cầm./.

Lê Đức Hoảnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục