Bước vào mùa cao điểm du lịch, các địa phương đang đẩy mạnh kích cầu, làm mới các sản phẩm du lịch thông qua phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương mình; trong đó có những địa phương đã tận dụng thế mạnh Di sản Văn hóa Dân gian để kích hoạt tiềm năng du lịch của tỉnh mình.
Trong số những địa phương đó có tỉnh Tây Ninh - một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Nơi đây, có kho tàng Di sản Văn hóa vô cùng quý báu của 22 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này với Di sản Văn hóa Vật thể và Di sản Văn hóa Phi vật thể.
Ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết năm nay, tỉnh dự kiến sẽ đón khoảng 5 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch ước đạt 1.800 tỷ đồng.
Để thu hút khách du lịch trong năm nay, tỉnh Tây Ninh đã đưa những Di sản Văn hóa Dân gian vào phục vụ du khách; trong đó có đờn ca tài tử Nam Bộ, múa trống Chhay-dăm, vũ điệu múa Khmer…. Đây là những Di sản Văn hóa Dân gian không chỉ mang bản sắc rất riêng của Tây Ninh mà còn có nhiều tiềm năng để lan tỏa, kích hoạt du lịch của tỉnh bứt phá, phát triển.
Nghệ thuật đờn ca tài tử từ lâu đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống của người Nam bộ. Điều khiến loại hình nghệ thuật này lưu truyền đến tận ngày nay là nhờ sự bình dị, tao nhã, gần gũi. Trong đó, đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu kết hợp tạo nên âm thanh tứ tuyệt, không thể trộn lẫn vào đâu cho loại hình đờn ca tài tử. Loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Ở Tây Ninh, loại hình này càng có tiềm năng để lan tỏa ra rộng lớn hơn khi tỉnh chọn cách kết hợp gắn với du lịch. Dịp lễ 30/4, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Công ty Cổ phần Mặt Trời Tây Ninh đã tổ chức triển lãm, trình diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ chuyên nghiệp như một cách để thu hút khách.
Để phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, năm ngoái, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030."
[Tây Ninh nâng tầm văn hóa ẩm thực chay, thu hút khách du lịch]
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức khoảng 18 lớp truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; tổ chức ít nhất 29 hội thi, liên hoan đờn ca tài tử các cấp (cấp tỉnh ít nhất 2 năm/lần, cấp huyện ít nhất 1 năm/lần); tổ chức 4 cuộc triển lãm lưu động và sinh hoạt đờn ca tài tử tại các điểm tham quan di tích, du lịch; tiếp tục các thủ tục, hồ sơ đề nghị xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân,” “Nghệ nhân Ưu tú” cho các nghệ nhân nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành và có nhiều đóng góp xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Ở tỉnh Tây Ninh, những điệu múa trống Chhay-dăm độc đáo và những vũ điệu múa dân tộc Khmer đầy uyển chuyển được mang đến “đãi” du khách phương xa. Nghe đờn ca tài tử, ngắm điệu múa của những nam thanh nữ tú dân tộc Khmer say sưa biểu diễn khiến du khách thập phương dâng tràn những cung bậc, cảm xúc.
Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ok om bok…. Trống Chhay-dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Nhạc cụ phục vụ cho tiết mục múa Chhay-dăm thường có từ 4-6 cái trống Chhay-dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).
Để có thể thực hiện các động tác trong bài múa Chhay-dăm, người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể. Khi múa, người múa đeo trống trước bụng.
Múa trống Chhay-dăm có động tác đánh trống, múa trống và múa tay, lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư và cả múa tập thể. Động tác đánh trống gồm những động tác đơn giản như vỗ lên mặt trống đến phức tạp hơn như đánh bằng cùi chỏ, bằng gót chân hoặc bất ngờ đánh vào trống của nhau, rồi vừa múa vừa làm xiếc với trống.
Khi nói đến múa trống Chhay-dăm, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh của lễ hoặc trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng của bà con trong phum, sóc dân tộc Khmer. Điệu múa này đã xuất hiện từ rất lâu đời. Riêng, điệu múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, lại mang một bản sắc riêng biệt của Tây Ninh và nâng lên tầm cao hơn khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào ngày 19/12/2014.
Ông Trần Văn Xén, ở thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, là một nghệ nhân múa trống Chhay-dăm nổi tiếng. Ông tự hào chia sẻ người Khmer có rất nhiều điệu múa như Ramvong, Sarvan, Lam leo hay múa trống Chhay-dăm.
Nghệ thuật múa trống Chhay dăm của người Khmer ở Tây Ninh đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, thường được biểu diễn trong dịp Tết, lễ hội như Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ok Om Bok... Ở điệu múa trống Chhay-dăm, các động tác đi, đứng, quỳ, uốn, lượn ngả người, xoay người, lăn người luôn biến đổi, nghệ nhân vừa múa vừa đánh trống rất linh hoạt, ông Trần Văn Xén cho biết thêm.
Với đồng bào Khmer, những vũ điệu múa dân tộc Khmer là nét văn hóa đặc sắc gắn liền trong tất cả các nghi lễ. Múa đã trở thành nét đẹp văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của bà con Khmer, nhất là vào những dịp lễ, tết.
Điệu múa Khmer được hòa quyện trong âm vang tiếng nhạc ngũ âm du dương của đồng bào Khmer nên nó có nét văn hóa rất riêng ở Tây Ninh. Không phải ai cũng đủ may mắn để có thể đến Tây Ninh đúng vào dịp những lễ hội của đồng bào Khmer, để được chiêm ngưỡng những vũ điệu và lắng nghe âm nhạc qua các vũ điệu múa.
Từ vũ điệu rộn ràng của các thiếu nữ mặc sampot rực rỡ sắc màu. Các vũ công điêu luyện trong điệu múa trống Chhay-dăm khi mạnh mẽ khi uyển chuyển đẹp mắt. Âm thanh từ trầm hùng đến cao vút, khi ngọt ngào lúc du dương từ khúc nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer.
Được sống trong những ngày hạnh phúc khi mang những điệu múa ra công chúng, cô gái Khmer tự hào nói: “Điệu múa truyền thống dân tộc từ lâu đã ngấm vào máu của mỗi người dân. Thế nhưng, được biểu diễn, được mang điệu múa truyền thống của dân tộc mình đến công chúng khắp nơi khiến em rất tự hào.”
Ngày nay, múa trống Chhay-dăm được biểu diễn tại các nhà văn hóa dân tộc, trong các lễ hội của dân tộc Khmer, Hội Yến Diêu trì cung của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, trong các liên hoan, hội thi, hội diễn các đội trống Chhay dăm.
Để điệu múa trống gian dân đặc sắc này lưu truyền qua nhiều thế hệ đến tận ngày nay, nhiều thế hệ nghệ nhân ở Tây Ninh âm thầm lưu giữ, phát triển, truyền dạy cho thế hệ sau bảo tồn. Tập trống từ còn nhỏ, đến nay, anh Cao Văn Tha Ni đã nhuần nhuyễn mọi thế múa chiếc trống Chhay-dăm và anh cho biết ngày còn bé, anh đã được tập múa trống. Mỗi ngày, Tha Ni tập 3 lần, mỗi lần 30 phút.
Tha Ni kể rằng: “Ban đầu tập múa trống Chhay-dăm, mình nản lắm vì phải tập đánh trống bằng gối, chỏ, rồi phải lăn lộn múa trống sưng hết tay chân. Các thầy luôn tìm cách động viên, truyền cảm hứng vì đây là nét văn hóa rất riêng của dân tộc mình. Nhờ đó, tôi đã quyết tâm học bằng được điệu múa này như hôm nay.”
Những ngày được ôm trống nhảy múa biểu diễn trên núi Bà Đen cho hàng ngàn du khách thập phương xem, anh Tha Ni không giấu nổi niềm tự hào: “Bao nhiêu khổ luyện điệu múa của dân tộc mình đều được mọi người trân trọng, tán dương khiến tôi hạnh phúc.”
Theo ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, những năm gần đây, đặc biệt là năm ngoái, với sự đầu tư khá bài bản của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, Tây Ninh đã dần đưa những sản phẩm du lịch đẳng cấp để giới thiệu đến du khách.
Năm 2022, tổng doanh thu du lịch của Tây Ninh đã tăng 130%, đạt hơn 1.400 tỷ đồng; lượng khách du lịch tăng 200% (so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19), đạt trên 4,5 triệu lượt khách./.