"Lấy lòng" chủ nợ

TBN, Hy Lạp thực hiện khắc khổ "lấy lòng" chủ nợ

Tây Ban Nha, Hy Lạp đưa ra kế hoạch khắc khổ nhằm thuyết phục các chủ nợ quốc tế rằng họ đang thực hiện các mục tiêu giảm thâm hụt.
Tây Ban Nha và Hy Lạp ngày 27/9 đã đưa ra kế hoạch giảm chi tiêu ngân sách và tăng thuế nhằm thuyết phục các chủ nợ quốc tế, giới đầu tư và các thị trường tài chính rằng họ đang trên đường thực hiện các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách.

Chương trình “thắt lưng buộc bụng” mới nhất này được công bố vào thời điểm các nền kinh tế trên toàn châu Âu yếu đi, trong khi sự tức giận của người dân đối với chương trình này gia tăng. Mục đích của động thái này là đảm bảo việc có được dòng tiền cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế.

Ngày 27/9, Chính phủ Tây Ban Nha công bố dự thảo ngân sách năm 2013, với chủ trương cắt giảm chi tiêu ngân sách đi 40 tỷ euro (51 tỷ USD), kèm theo đó là một loạt biện pháp và cải cách mới.

Nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) này đang nỗ lực thực hiện cam kết với EU là giảm thâm hụt ngân sách từ mức tương đương 8,9% GDP năm 2011 xuống 6,3% GDP năm 2012; 4,5% GDP năm 2013 và 2,8% GDP năm 2014.

[Hy Lạp: Ba nhà tài trợ chấp nhận biện pháp khắc khổ]

Bộ trưởng tài chính Tây Ban Nha Cristobal Montoro nhấn mạnh nước này sẽ đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách năm 2012 như đã đề ra.

Nhiều nhà phân tích nhìn nhận kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha trong năm 2013 and 2014 là những dấu hiệu cho thấy "xứ sở bò tót" đang chuẩn bị đề nghị xin hỗ trợ tài chính từ chính phủ các nước châu Âu và ECB. Để nhận được sự trợ giúp này, các nước phải cho thấy sự nghiêm túc trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách.

Với lý do tương tự, Chính phủ liên minh Hy Lạp đã nhất trí cắt giảm chi tiêu ngân sách 11,5 tỷ euro (14,77 tỷ USD) trong hai năm tới. Nếu không làm được điều này, Hy Lạp - nước đã dựa vào sự cứu trợ quốc tế từ tháng 5/2010, có thể bị cắt nguồn cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mà nước này rất cần để trang trải các khoản thanh toán và để tiếp tục ở lại (Eurozone).

Quyết định cắt giảm ngân sách của Tây Ban Nha và Hy Lạp đã giúp làm giảm chi phí đi vay tại Tây Ban Nha và Italy, đồng thời là động lực để các thị trường chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương tăng điểm. Dẫu vậy, Eurozone vẫn còn đầy rẫy khó khăn.

Theo cuộc khảo sát điều tra mới nhất của Ủy ban châu Âu, lòng tin kinh tế tại 17 nước Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng là một dấu hiệu nữa cho thấy Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng đang tăng chậm lại. Tại châu Âu, sáu nền kinh tế đã bị suy thoái và các nhà kinh tế dự báo toàn bộ khu vực này có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục