Thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống pháo binh Mỹ

Pháo binh dã chiến của Mỹ được cho là kém ưu việt hơn so với các vũ khí của Nga và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với lực lượng pháo binh của Triều Tiên hay các loại vũ khí cơ động của Iran.
Thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống pháo binh Mỹ ảnh 1Pháo tự hành M109A7 Paladin nòng 155-mm của quân đội Mỹ. (Nguồn: military-today.com)

Theo nationalinterest.org, Viện nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận RAND, có trụ sở tại California, Mỹ, mới đây vừa công bố báo cáo về lực lượng pháo binh của quân đội Mỹ, trong đó chỉ rõ những lỗ hổng nghiêm trọng, hệ quả của 2 thập kỷ bị lơ là trang bị từ khi Lầu Năm Góc chỉ tập trung vào các vấn đề “chống chiến tranh du kích” đầu những năm 2000.

Theo báo cáo, Lực lượng pháo binh dã chiến của Mỹ được cho là kém ưu việt hơn so với các vũ khí của Nga, và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với lực lượng pháo binh của Triều Tiên hay các loại vũ khí cơ động của Iran.

Trong suốt thời gian qua, máy bay và trực thăng đã thay thế lực lượng pháo binh trở thành nòng cốt hỗ trợ hỏa lực cho các chiến dịch vận dụng các đơn vị quy mô nhỏ tại Iraq và Afghanistan, trong khi các xạ thủ được đào tạo bài bản lại được điều động tới các đồn canh gác.

[Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ tụt hậu về phát triển vũ khí siêu thanh]

RAND kết luận rằng chính điều này đã khiến lực lượng pháo binh của Mỹ “thiếu kinh nghiệm và năng lực trầm trọng so với những người tiền nhiệm trong giai đoạn trước sự kiện 11/9.”

Vấn đề là ở chỗ lực lượng pháo binh của Mỹ ngày một suy thoái, trong khi Nga thì không. John Gordon, một nhà nghiên cứu RAND, tham gia trong nghiên cứu, bình luận: “Trong suốt những năm dài theo đuổi các chiến dịch nhằm đè bẹp lực lượng nổi loạn dùng chiến tranh du kích, hai lực lượng chịu thiệt hại nhiều nhất của Quân đội Mỹ chính là pháo binh và phòng không... Với mối đe dọa tại Iraq và Afghanistan, đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nay, hai lực lượng này có vị thế đặc biệt quan trọng bởi tính chất những đối thủ mà chúng ta đang phải tập trung đối phó.”

Dù quy mô quân đội Nga hiện nhỏ hơn so với thời Chiến tranh Lạnh, song họ vẫn là một lực lượng hùng mạnh, với nhiều bệ phóng tên lửa và tên lửa đạn đạo. Nga có những hỏa lực tầm xa như súng bắn loạt BM-30 với tầm bắn lên tới 60 dặm (hơn 90km), hay tên lửa đạn đạo SS-26 Iskander có tầm bắn 250 dặm (hơn 400km).

Trong khi đó, pháo tự hành M109A7 Paladin nòng 155-mm của quân đội Mỹ có tầm bắn khoảng 15 dặm (24km) với vỏ bình thường, và 20 dặm (32km) nếu được hỗ trợ đạn rocket.

Đáng chú ý, báo cáo của RAND khiến người ta nhớ lại một báo cáo gần đây của Anh cảnh báo rằng nếu Nga xâm lược các nước vùng Baltic, bộ binh Anh sẽ yếu thế hơn hẳn so với lực lượng pháo binh của Nga, và vì vậy Anh có thể sẽ phải dùng đến các loại bom chùm vốn bị cấm tại nhiều quốc gia.

Cả Mỹ và Anh đều đã lắp ráp các loại máy bay có trang bị bom laser có hệ thống định vị, song chiến lược từng hiệu quả trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất này rất có thể sẽ vô tác dụng ở thời điểm hiện tại.

Các hệ thống phòng không tân tiến của Nga, như S-400, đủ sức chặn đứng máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hơn thế nữa, ngay cả các nhà quan sát Mỹ cũng lo ngại rằng Mỹ không có đủ các loại bom thông minh hay năng lực sản xuất công nghiệp quốc phòng để đáp ứng ngay khi cần thiết.

Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng lực lượng tên lửa và pháo binh tầm xa của Nga có thể phá hủy các đường băng, cảng biển và căn cứ hậu cần của NATO.

Nếu lực lượng phòng không thất thủ, lực lượng pháo binh trên thực địa sẽ phải gánh trách nhiệm phòng vệ và thực tế rất có thể là cả Mỹ và Anh đều không đủ hỏa lực để gánh vác những nhiệm vụ này.

Nga không phải là vấn đề duy nhất. Trong trường hợp nổ ra một cuộc khủng hoảng khác tại Triều Tiên, quân đội Mỹ cũng có thể sẽ gặp phải thách thức lớn trong việc đối đầu với với kho chứa vũ khí hạng nặng tại Khu Phi Quân sự.

RAND viết trong báo cáo: “Lực lượng pháo binh Mỹ có thể không được chuẩn bị để đối phó với khối lượng đạn dược lớn đến như vậy khi tham chiến với đối thủ có năng lực truyền thống khá tương đương... Hiệu quả trong hoạt động chiến đấu có thể sẽ bị hạn chế bởi họ cần phải tránh hoặc phải phòng vệ trước các cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên ở hậu phương.”

Các cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm Iran cũng sẽ đe dọa lực lượng pháo binh Mỹ trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột ở Vịnh Persia. Bên cạnh đó, Mỹ còn phải có phương án đáp trả các mục tiêu linh hoạt như các bệ phóng tên lửa cơ động của nước Cộng hòa Hồi giáo.

May mắn là quân đội Mỹ không chỉ dựa vào pháo binh. Lực lượng không quân và hải quân có thể hỗ trợ các tên lửa phóng từ máy bay và tàu chiến. Tuy nhiên, với việc phổ biến các loại vũ khí chống hạm và phòng không như hiện nay, những hỗ trợ này cũng có thể khó đảm bảo ưu thế.

Theo RAND, Mỹ có thể cân nhắc tăng quân số các đơn vị pháo binh, đặc biệt là những đơn vị có thể triển khai nhanh chóng tại Đông Âu hay vịnh Persia. Quân đội cũng cần trang bị thêm các hệ thống nhận diện tân tiến hơn so với hệ thống radar TPQ-53 hiện hành.

Quân đội Mỹ cũng nên tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện pháo phản lực của mình thay vì phát triển hệ thống đa nòng. RAND nhận định: “ Các hệ thống phản lực đa nòng như MLRS và HIMARS là những hệ thống pháo binh dã chiến rất quan trọng, nhưng đại bác mới là loại vũ khí thích hợp khi cần hỗ trợ nhanh và liên tục... Phạm vi và tốc độ bắn là những yếu tố quan trọng đối với các hệ thống pháo của quân đội, song họ cũng cần chú trọng vào việc cải tiến khả năng gây sát thương, sức bền và tính cơ động. Ví dụ, hệ thống pháo được Lữ đoàn Stryker sử dụng là M777 155mm - một tháp pháo không có khả năng nạp đạn tự động và phòng vệ.”

Một lựa chọn mà quân đội Mỹ có thể tính đến là mua các loại pháo phản lực do nước ngoài sản xuất như súng nòng 155mm của Đức. Quân đội Mỹ cũng cần trang bị các tên lửa tầm xa, như dự án Tên lửa Đột kích Chính xác, để thay thế các kho dự trữ của Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội (ATACMS), cần thiết trong trường hợp không thể tiến hành các hoạt động tiếp ứng bằng hàng không.

Việc phát triển tên lửa tầm xa đất đối đất, với tầm bắn tối thiểu 1.000km (621 dặm) sẽ tạo lợi thế lớn trong trường hợp nổ ra xung đột trên biển và trên không với Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

RAND cảnh báo rằng các xạ thủ Mỹ sẽ phải làm điều mà họ chưa từng làm bao giờ là luyện tập cách bảo vệ chính mình trước nguy cơ bị tấn công. Các tiểu đội pháo binh của Mỹ sẽ ở trong tầm ngắm của các máy bay không người lái, trực thăng tấn công và máy bay chiến đấu.

Các đội xe tăng thậm chí còn đang diễn tập các chiến thuật “băng chuyền” nhằm phá vỡ các phòng tuyến và nhắm mục tiêu vào các đơn vị pháo binh của đối thủ. Hiện rất ít đơn vị pháo binh dã chiến có hệ thống ngụy trang để che giấu vũ khí của họ, bởi điều này từng được cho là không cần thiết trong giai đoạn chiến tranh tại Afghanistan và Iraq.

RAND cảnh báo: “Chống lại một đối thủ mạnh như Nga, việc nguỵ trang và đánh lừa là đặc biệt cần thiết. Các đơn vị pháo binh dã chiến phải được huấn luyện theo cách này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục