Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 15/3, Thái Lan đã bắt đầu xét xử 92 nghi phạm buôn người, bị nhà chức trách nước này bắt giữ sau khi phát hiện nhiều nấm mồ tập thể của những người di xư bất hợp pháp tại các cánh rừng ở miền Nam Thái Lan, gần biên giới với Malaysia hồi năm 2015.
Trong số 92 nghi phạm có một viên tướng quân đội, nhiều cảnh sát và thường dân. Những kẻ buôn người đã bỏ mặc các con thuyền chở đầy người di cư bất hợp pháp trên biển sau khi nhà chức trách Thái Lan tiến hành một chiến dịch trấn áp nạn buôn người.
Vụ việc này đã trở thành một cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực với việc các nước Indonesia, Thái Lan, Myanmar và Bangladesh đều từ chối cho phép các con thuyền này cập bến.
Cuộc điều tra và bắt giữ các nghi phạm được tiến hành sau khi phát hiện 30 ngôi mộ tập thể tại một trại trú ẩn của người di cư gần biên giới Malaysia. Nhiều thi thể được cho là người Rohingya, một cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo tại Myanmar.
Nhiều tuần sau, cảnh sát Thái Lan tiếp tục phát hiện 139 ngôi mộ tập thể khác cũng dọc theo biên giới với Malaysia.
Thái Lan sau đó tiến hành một chiến dịch trấn áp trên diện rộng các hoạt động buôn người, được cho là thu lợi hàng triệu USD và rất phổ biến tại các tỉnh miền Nam nước này cũng như ở Malaysia. Hiện vẫn còn khoảng 50 nghi phạm đang lẩn trốn và một số nghi phạm đã đào thoát sang Myanmar.
Theo Văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan, việc xét xử sẽ kéo dài khoảng 1 năm trong lúc các tổ chức quốc tế lo ngại về an toàn của hàng trăm nhân chứng do họ không được cảnh sát bảo vệ đầy đủ.
Hiện Thái Lan vẫn nằm trong nhóm thấp nhất theo đánh giá của Báo cáo về Nạn buôn người (TIP) của Bộ Ngoại giao Mỹ do không đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu của việc trấn áp loại hình tội phạm này./.