Thái Lan thiệt hại 1,5 tỷ USD do hội chứng tôm chết sớm

Hội chứng tôm chết sớm đã làm ngành thủy sản Thái Lan thiệt hại 1,54 tỷ USD và có nguy cơ làm giảm tới 40% sản lượng tôm hàng năm của nước này.

Thái Lan, nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, đang phải vật lộn với Hội chứng tôm chết sớm (EMS), một loại bệnh dịch ở tôm có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế.

EMS, do vi khuẩn truyền nhiễm khiến hệ thống tiêu hóa của tôm bị hủy hoại, đã làm ngành thủy sản Thái Lan thiệt hại tới 50 tỷ baht (tương đương 1,54 tỷ USD) và có nguy cơ làm giảm tới 40% sản lượng tôm hàng năm của nước này.

EMS lần đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc hồi năm 2009, sau đó đã lan sang Việt Nam và Malaysia.

Dịch bệnh này bùng phát ở Thái Lan mùa Hè vừa qua, làm cho giá tôm tại nước này tăng gấp đôi và tại Mỹ tăng 20%.

Phát biểu trên tờ Bangkok Post số ra ngày 24/12, Chủ tịch Hiệp hội tôm Thái Lan Somsak Paneetatyasai cho biết tổng sản lượng tôm xuất khẩu năm nay của Thái Lan chỉ ở mức 200.000 tấn với tổng trị giá 70 tỷ baht (2,15 tỷ USD), trong khi các con số này năm ngoái là 350.000 tấn với trị giá 3,39 tỷ USD.

Ông Paneetatyasai nhận định mặc dù xuất khẩu sụt giảm mạnh và để mất danh hiệu nhà xuất khẩu tôm số một tại thị trường Mỹ về tay các nhà xuất khẩu Ấn Độ, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới trong năm nay.

Trong khi đó, cũng chịu ảnh hưởng của EMS, Ấn Độ đã công bố các biện pháp kiểm soát nhằm đối phó với căn bệnh này.

Cơ quan Phát triển hải sản xuất khẩu Ấn Độ (MPEDA) thông báo các hộ nuôi trồng thủy sản nước này sẽ được yêu cầu ngừng canh tác từ nay đến đầu tháng Hai năm tới để đảm bảo rằng tất cả các hồ nuôi tôm có đủ thời gian khô cạn trước khi được làm đầy.

Theo nhà nghiên cứu Donald Lightner tại Đại học Arizona (Mỹ), loài vi khuẩn gây ra EMS đã được xác định. Tuy nhiên do chưa rõ nguồn gốc của vi khuẩn nên việc chữa bệnh cho tôm vẫn còn rất khó khăn.

Mặc dù vậy, ông Lightner cho biết EMS không gây mối đe dọa nào đối với con người, ngay cả khi vô tình ăn phải tôm nghiễm bệnh.

Ngoài ra, giáo sư Tim Flegal tại Trung tâm Quốc gia về công nghệ sinh học và công nghệ di truyền (BIOTEC) của Thái Lan, đơn vị đang cộng tác với nhà nghiên cứu Lightner, cho biết vi khuẩn gây EMS có ở khắp mọi nơi trong môi trường biển nhiệt đới, do đó cần xác định toàn bộ hệ gen của chúng để nghiên cứu phương án điều trị.

Các nhà nghiên cứu cũng đang nỗ lực xác định cách thức lây lan của vi khuẩn trên từ đại dương vào các hồ nuôi tôm của nông dân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục