Thái Nguyên: Điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án trọng điểm

Tại kỳ họp, các đại biểu thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Sông Công 2 do tăng chí phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thái Nguyên: Điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án trọng điểm ảnh 1Các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên tại kỳ họp. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Ngày 31/3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV tổ chức Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để quyết định và điều chỉnh một số chủ trương dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2021-2025.

Ông Phạm Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, nhấn mạnh các nội dung do Ủy ban Nhân dân tỉnh trình, được xem xét, thảo luận, quyết định tại Kỳ họp này đều quan trọng cho việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; trong đó có những dự án, đề án có tính chất động lực, cấp bách, cần quyết định sớm để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2022, tiến độ đầu tư các công trình, dự án, qua đó mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thái Nguyên trong thời gian tới.

[Thái Nguyên thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn]

Sau khi xem xét, thảo luận, các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh đối với 30,86 ha rừng trồng sản xuất để phục vụ 4 dự án đã và đang đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư Dự án xây dựng trụ sở làm việc công an các xã, thị trấn giai đoạn 2021-2025 với quy mô xây dựng mới 23 công trình trụ sở công an xã và cải tạo 3 công trình tại 26 xã, thị trấn trên địa bàn; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc...

Đối với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Sông Công 2 diện tích 250ha, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ hơn 1.700 tỷ đồng lên trên 2.300 tỷ đồng do tăng chí phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; nguồn vốn đầu tư được điều chỉnh gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất.

Thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ năm 2017 đến năm 2023 (trước đây là từ 2017 đến 2020) do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng dẫn đến dự án chậm tiến độ, cần điều chỉnh thời gian để hoàn thiện và quyết toán dự án.

Kỳ họp còn xem xét điều chỉnh Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 với một số nội dung điều chỉnh: đến hết 2025 có 97% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 7 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới; điều chỉnh tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 53.579 tỷ đồng, tăng thêm 1.020 tỷ đồng so với đề án đã được phê duyệt trước đó.

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhất trí thông qua nhiều nghị quyết quan trọng khác như điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công tỉnh Thái Nguyên năm 2022; phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn huyện Phú Bình, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Phú Bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục