Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thâm hụt thương mại của nước này trong năm 2012 đã tăng lên tới gần 6.930 tỷ yen (tương đương 78,23 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay và tăng 2,7 lần so với năm trước đó.
Trong bối cảnh có một số dấu hiệu cho thấy khoảng cách giữa xuất và nhập khẩu của Nhật Bản sẽ chưa thể thu hẹp ngay lập tức trong những năm tới, nhiều người quan ngại thâm hụt thương mại có thể trở thành căn bệnh kinh niên ở “đất nước Mặt trời mọc”.
Những kỷ lục buồn
Trong báo cáo sơ bộ công bố vào cuối tháng 1/2013, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong năm 2012 cao gấp 2,65 lần so với con số thâm hụt kỷ lục trước đó là 2.613 tỷ yên, được xác lập vào năm 1980 sau cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ hai.
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, cán cân thương mại của Nhật Bản với Liên minh châu Âu (EU) bị âm với mức thâm hụt lên tới 139,7 tỷ yen, trong khi thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc cũng tăng lên mức kỷ lục 3.521 tỷ yen.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2012, cán cân thương mại của nước này đã bị thâm hụt tới 641,5 tỷ yen, tăng 208% so với cùng kỳ năm trước đó, do kim ngạch xuất khẩu giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 5.300,3 tỷ yen, trong khi kim ngạch nhập khẩu lại tăng 1,9% lên mức 5.941,8 tỷ yen.
Đây là tháng thứ sáu liên tiếp, nền kinh tế này bị thâm hụt thương mại.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng trên là do kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng đồng yen tăng giá, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trong khi kim ngạch nhập khẩu, nhất là nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, lại tăng mạnh.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu, vốn được coi là động lực tăng trưởng chính của Nhật Bản, đã giảm 2,7% xuống còn 63.740 tỷ yen. Đây là năm thứ hai liên tiếp, giá trị xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này bị giảm.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản lại tăng 3,8% lên 70.670 tỷ yên, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tăng 25,4% và nhập khẩu dầu thô tăng 7,3%. Đây là năm thứ ba liên tiếp, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng.
Sẽ trở thành căn bệnh kinh niên?
Trong giai đoạn từ giữa những năm 1980 đến năm 2010, Nhật Bản liên tục đạt thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, kể từ năm 2011, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã bắt đầu đối mặt với hiện tượng thâm hụt thương mại. Năm ngoái, khoảng cách giữa xuất và nhập khẩu của nước này đã tăng lên mức kỷ lục.
Vì vậy, một số chuyên gia phân tích lo ngại thâm hụt thương mại có thể sẽ trở thành căn bệnh kinh niên ở nước này bất chấp việc đồng yen đã giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác vào đầu năm nay.
Kể từ giữa năm 2010, đồng yen của Nhật Bản đã liên tục tăng giá so với các ngoại tệ khác. Chỉ tính riêng trong năm 2012, đồng tiền này đã tăng 0,5% giá trị so với đồng USD.
Sự tăng giá của đồng yen đã giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản bởi vì, các sản phẩm xuất khẩu của nước này đã trở nên đắt đỏ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11/2012, đồng yen đã giảm khoảng 10% so với đồng bạc xanh của Mỹ và 20% so với đồng euro của châu Âu do tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đối phó với căn bệnh giảm phát.
Với việc đồng yen giảm giá, hôm 28/1, Văn phòng Nội các Nhật Bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2013 sẽ tăng 7% so với năm ngoái so với mức giảm 2,7% của năm 2012. Điều này sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại đang bị thâm hụt của Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo dự báo của Văn phòng Nội các, năm nay, kim ngạch nhập khẩu của “đất nước Mặt trời mọc” sẽ tiếp tục tăng với tốc độ lên tới 6,8%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng của năm ngoái.
Một trong những cơ sở quan trọng cho dự báo này là nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của Nhật Bản vẫn sẽ đứng ở mức cao trong bối cảnh phần lớn các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản vẫn tạm ngừng hoạt động kể từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima tháng 3/2011.
Với tốc độ tăng mạnh như vậy của kim ngạch nhập khẩu, theo một số chuyên gia phân tích, nhiều khả năng Nhật Bản vẫn bị thâm hụt thương mại trong năm 2013.
Tình trạng này có thể sẽ trầm trọng hơn nếu giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng cao do các nhân tố địa - chính trị và hiện tượng di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng do ảnh hưởng tiêu cực của sự gia tăng về chi phí năng lượng ở trong nước và các vấn đề cơ cấu khác.
Các chuyên gia phân tích Kyohei Morita và Yuichiro Nagai của công ty Barclays Capital cho rằng việc đồng yen giảm giá chưa đủ để đưa cán cân thương mại của Nhật Bản “trở lại trạng thái thặng dư” và tình trạng thâm hụt thương mại có thể tiếp tục kéo dài trong ba năm tới hoặc hơn nữa./.
Trong bối cảnh có một số dấu hiệu cho thấy khoảng cách giữa xuất và nhập khẩu của Nhật Bản sẽ chưa thể thu hẹp ngay lập tức trong những năm tới, nhiều người quan ngại thâm hụt thương mại có thể trở thành căn bệnh kinh niên ở “đất nước Mặt trời mọc”.
Những kỷ lục buồn
Trong báo cáo sơ bộ công bố vào cuối tháng 1/2013, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong năm 2012 cao gấp 2,65 lần so với con số thâm hụt kỷ lục trước đó là 2.613 tỷ yên, được xác lập vào năm 1980 sau cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ hai.
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử, cán cân thương mại của Nhật Bản với Liên minh châu Âu (EU) bị âm với mức thâm hụt lên tới 139,7 tỷ yen, trong khi thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc cũng tăng lên mức kỷ lục 3.521 tỷ yen.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2012, cán cân thương mại của nước này đã bị thâm hụt tới 641,5 tỷ yen, tăng 208% so với cùng kỳ năm trước đó, do kim ngạch xuất khẩu giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 5.300,3 tỷ yen, trong khi kim ngạch nhập khẩu lại tăng 1,9% lên mức 5.941,8 tỷ yen.
Đây là tháng thứ sáu liên tiếp, nền kinh tế này bị thâm hụt thương mại.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng trên là do kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng đồng yen tăng giá, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trong khi kim ngạch nhập khẩu, nhất là nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, lại tăng mạnh.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu, vốn được coi là động lực tăng trưởng chính của Nhật Bản, đã giảm 2,7% xuống còn 63.740 tỷ yen. Đây là năm thứ hai liên tiếp, giá trị xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này bị giảm.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản lại tăng 3,8% lên 70.670 tỷ yên, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tăng 25,4% và nhập khẩu dầu thô tăng 7,3%. Đây là năm thứ ba liên tiếp, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng.
Sẽ trở thành căn bệnh kinh niên?
Trong giai đoạn từ giữa những năm 1980 đến năm 2010, Nhật Bản liên tục đạt thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, kể từ năm 2011, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã bắt đầu đối mặt với hiện tượng thâm hụt thương mại. Năm ngoái, khoảng cách giữa xuất và nhập khẩu của nước này đã tăng lên mức kỷ lục.
Vì vậy, một số chuyên gia phân tích lo ngại thâm hụt thương mại có thể sẽ trở thành căn bệnh kinh niên ở nước này bất chấp việc đồng yen đã giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác vào đầu năm nay.
Kể từ giữa năm 2010, đồng yen của Nhật Bản đã liên tục tăng giá so với các ngoại tệ khác. Chỉ tính riêng trong năm 2012, đồng tiền này đã tăng 0,5% giá trị so với đồng USD.
Sự tăng giá của đồng yen đã giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản bởi vì, các sản phẩm xuất khẩu của nước này đã trở nên đắt đỏ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11/2012, đồng yen đã giảm khoảng 10% so với đồng bạc xanh của Mỹ và 20% so với đồng euro của châu Âu do tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đối phó với căn bệnh giảm phát.
Với việc đồng yen giảm giá, hôm 28/1, Văn phòng Nội các Nhật Bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2013 sẽ tăng 7% so với năm ngoái so với mức giảm 2,7% của năm 2012. Điều này sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại đang bị thâm hụt của Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo dự báo của Văn phòng Nội các, năm nay, kim ngạch nhập khẩu của “đất nước Mặt trời mọc” sẽ tiếp tục tăng với tốc độ lên tới 6,8%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng của năm ngoái.
Một trong những cơ sở quan trọng cho dự báo này là nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của Nhật Bản vẫn sẽ đứng ở mức cao trong bối cảnh phần lớn các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản vẫn tạm ngừng hoạt động kể từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima tháng 3/2011.
Với tốc độ tăng mạnh như vậy của kim ngạch nhập khẩu, theo một số chuyên gia phân tích, nhiều khả năng Nhật Bản vẫn bị thâm hụt thương mại trong năm 2013.
Tình trạng này có thể sẽ trầm trọng hơn nếu giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng cao do các nhân tố địa - chính trị và hiện tượng di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng do ảnh hưởng tiêu cực của sự gia tăng về chi phí năng lượng ở trong nước và các vấn đề cơ cấu khác.
Các chuyên gia phân tích Kyohei Morita và Yuichiro Nagai của công ty Barclays Capital cho rằng việc đồng yen giảm giá chưa đủ để đưa cán cân thương mại của Nhật Bản “trở lại trạng thái thặng dư” và tình trạng thâm hụt thương mại có thể tiếp tục kéo dài trong ba năm tới hoặc hơn nữa./.
Thanh Tùng (TTXVN)