Một thẩm phán Mỹ tại San Francisco ngày 15/10 cho biết bà "không có khuynh hướng" đảo ngược quyết định của mình khi ngăn lệnh cấm WeChat khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google do Chính phủ Mỹ đưa ra.
Phát biểu tại một phiên điều trần, Thẩm phán Laurel Beeler cho biết hồ sơ kháng cáo mới của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ khó thay đổi kết quả đánh giá hay phân tích của bà.
Hồi tháng trước, Thẩm phán Beeler đã ra phán quyết sơ bộ chặn lệnh cấm WeChat của Bộ Thương mại Mỹ -vốn dự kiến có hiệu lực từ cuối ngày 20/9 - trong một vụ kiện do những người dùng WeChat nộp lên.
Bộ Tư pháp Mỹ sau đó đã kháng cáo phán quyết của bà Beeler lên Tòa phúc thẩm, nhưng phán quyết nhiều khả năng sẽ không được đưa ra trước tháng 12 năm nay.
Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng phán quyết của bà Beeler cho phép WeChat tiếp tục được sử dụng, trong khi các cơ quan hành pháp Mỹ đã xác định WeChat là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của nước này.
[Mỹ: Tòa án California chặn lệnh cấm tải WeChat của chính phủ]
Những người dùng WeChat nộp đơn kiện lập luận rằng Chính phủ Mỹ đang tìm cách "thực hiện lệnh cấm chưa từng có đối với một phương tiện truyền thông." Họ cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ chỉ đưa ra những "suy đoán" về tác hại của ứng dụng mà không có bất kỳ bằng chứng hoặc ví dụ cụ thể nào có liên quan đến người Mỹ sử dụng WeChat.
WeChat là một ứng dụng di động đa năng, kết hợp giữa các dịch vụ tương tự như Facebook, WhatsApp, Instagram và Venmo. Ứng dụng này là một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người ở Trung Quốc và hiện có hơn 1 tỷ người dùng.
Công ty phân tích thị trường Apptopia cho biết WeChat có trung bình 19 triệu người dùng hoạt động hàng ngày ở Mỹ. Ứng dụng này phổ biến nhất trong giới sinh viên Trung Quốc, người Mỹ sống ở Trung Quốc và một số người Mỹ có quan hệ cá nhân hoặc kinh doanh ở Trung Quốc.
Trong một trường hợp tương tự, một tòa án phúc thẩm của Mỹ hôm 14/10 đã nhất trí nhanh chóng xem xét đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp Mỹ về phán quyết của thẩm phán ngăn chặn lệnh cấm tải ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc).
Trước đó vào ngày 23/9, TikTok đã đệ đơn xin tạm dừng lệnh cấm trên, được ban hành theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump vào tháng Tám nhằm vào nền tảng chia sẻ video của ByteDance, cũng như ứng dụng nhắn tin WeChat.
Lệnh cấm đã bị Bộ Thương mại Mỹ trì hoãn một tuần sau khi các bên nhất trí hướng tới một thỏa thuận tái cơ cấu theo yêu cầu của ông Trump, khi trước đó Tổng thống Mỹ quan ngại rằng ứng dụng TikTok sẽ gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ./.