Thanh Hóa: Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp gặp khó trong giải ngân

Tính đến nay, tất cả các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên trên cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng đều chưa giải ngân được vốn do các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo.

Một giờ học của giáo viên, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thành phố Sầm Sơn. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Một giờ học của giáo viên, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thành phố Sầm Sơn. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện, toàn tỉnh có 24 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thu hút khoảng 8.000 học sinh tham gia học tập.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các trung tâm được hỗ trợ gói đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề.

Tuy nhiên, đến nay, tất cả trung tâm trên cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng chưa giải ngân được vốn do các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo…

Hơn 10 năm nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện miền núi biên giới Quan Sơn chưa được tu bổ, sửa chữa lớn nên nhiều hạng mục, công trình có biểu hiện xuống cấp.

Trung tâm hiện không có phòng học chức năng, phòng Tin học, Ngoại ngữ, phòng thực hành, dạy nghề…, chưa có thiết bị giáo dục nghề nghiệp, thiết bị dạy nghề giáo dục thường xuyên nên giáo viên, học viên luôn phải “dạy chay” “học chay...”

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Trung tâm được giao 2,8 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề.

Ủy ban Nhân dân huyện Quan Sơn đã kiểm tra thực trạng và liệt kê những hạng mục cần đầu tư; kỳ vọng đây sẽ là “cú hích” góp phần thu hút học viên, nâng cao chất lượng dạy và học của trung tâm.

Tuy nhiên, văn bản của Tổng cục Nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên không thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Quan Sơn cho biết những năm qua, việc thu hút học viên vào học tại Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, một phần là do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề không được đầu tư.

Ông Huy mong muốn các cấp chính quyền sớm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung đối tượng thụ hưởng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để Trung tâm sớm giải ngân được nguồn vốn.

Theo ông Lê Viết Xuân, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quan Sơn, thực hiện Chương trình Phát triển nghề nghiệp cho đồng bào dân tộc miền núi thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn giai đoạn 2021-2025, huyện được phân bổ 2 nguồn vốn năm 2022-2023, tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Theo hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tỉnh, Quan Sơn sẽ được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên không quá 20% (tương đương khoảng 2,8 tỷ đồng).

Tuy nhiên đến nay do hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc bổ sung đối tượng thụ hưởng chương trình nên Trung tâm phải dừng việc làm hồ sơ thủ tục giải ngân.

“Quan Sơn là huyện miền núi biên giới có thế mạnh về các loại cây tre, nứa, vầu…Việc bán thô và sản xuất thô mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao nên hiện nhu cầu học nghề của lao động tại địa phương rất lớn. Muốn thu hút được người học, đòi hỏi Trung tâm phải được đầu tư các loại máy móc, thiết bị hiện đại, phù hợp với công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trung tâm đều không có nên rất khó khăn trong việc thu hút học viên. Phòng đã có đề xuất, kiến nghị gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh và mong muốn sớm có hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện, nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại địa phương…,” ông Xuân kiến nghị.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương hiện có 585 học viên theo học.

Từ khi sáp nhập, Trung tâm chưa được đầu tư mới trang thiết bị phục vụ việc dạy nghề; trong khi các thiết bị cũ đang hỏng và không còn phù hợp.

Đơn cử như trước đây Trung tâm chỉ dạy nghề mộc truyền thống, nhưng hiện nay công nghệ thay đổi nên toàn bộ máy móc đầu tư trước đó không sử dụng được. Bên cạnh đó, nhiều máy móc khác như máy tính, máy khâu sau nhiều năm sử dụng cũng hỏng, không còn khả năng để sửa chữa.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Trung tâm được đầu tư 291 triệu đồng mua sắm thiết bị bổ sung cho các phòng học. Tuy nhiên, cũng giống như các trung tâm khác, số tiền trên chưa được giải ngân do vướng văn bản hướng dẫn.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên huyện Quảng Xương cho biết Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và liệt kê chi tiết các hạng mục cần đầu tư, được các Sở Tài Chính, Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn và phê duyệt gói 291 triệu đồng, thực hiện mua sắm bổ sung cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên ngày 31/7/2023, Trung tâm nhận được công văn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên không thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên không nằm trong đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia 2021-2025.

“Mặc dù được huyện quan tâm xây dựng mới, nhưng việc đầu tư máy móc thiết bị phục vụ công tác dạy nghề của Trung tâm hiện gặp nhiều khó khăn. Mong các sở, ngành sớm có biện pháp tháo gỡ, có hướng dẫn cụ thể, tránh chồng chéo văn bản để nguồn hỗ trợ được giải ngân về nhà trường…,” ông Hoàng chia sẻ thêm.

trung-tam-giao-duc-nghe-nghiep-thanh-hoa2-432.jpg
Một giờ thực hành của học sinh rung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Triệu Sơn. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Qua khảo sát từ thực tiễn cũng như đánh giá của ngành chức năng cho thấy, hoạt động của nhiều Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, hạn chế; một trong những khó khăn đặt ra là về cơ sở vật chất.

Theo thống kê, tại 24 trung tâm có 443 phòng học kiên cố, 274 phòng học bán kiên cố; 43 phòng thí nghiệm, 7 phòng thư viện và 61 phòng máy tính.

So với quy mô, nhu cầu học tập và yêu cầu đổi mới giáo dục, cơ sở vật chất này mới đáp ứng cơ bản việc giảng dạy lý thuyết; các điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông còn thiếu, như thư viện, phòng học bộ môn, phòng thực hành...

Theo bà Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, Sở đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu sớm có hướng dẫn cụ thể đưa ra đối tượng thụ hưởng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng của chương trình.

Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền quyết định, bà Hường đề nghị các địa phương hướng dẫn các trung tâm điều chỉnh kế hoạch, tập trung đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo… để nâng cao chất lượng dạy nghề tại địa phương.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên giữ vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí cũng như tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Từ vai trò, ý nghĩa cũng như khó khăn, thách thức đã, đang hiện hữu, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan trong tỉnh để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các trung tâm; qua đó, góp phần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục