Chiều 26/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để đánh giá tình hình, góp ý với tỉnh, tìm ra những hướng đi đột phá về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thuộc diện lớn nhất cả nước.
Đánh giá các điều kiện lợi thế lợi thế đặc biệt của Thanh Hóa như "một Việt Nam thu nhỏ," Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung xây dựng các chủ trương, giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng to lớn của tỉnh nhà.
Là địa phương có các tuyến giao thông huyết mạch của cả nước chạy qua, có cửa khẩu quốc tế với nước bạn Lào, Thanh Hóa còn có lợi thế với 102 km bờ biển và cảng nước sâu Nghi Sơn, thuận lợi cho giao thương với khu vực và quốc tế. Ưu thế của Thanh Hóa còn ở tiềm năng lớn về nguồn nhân lực với lực lượng lao động khoảng 2,3 triệu người, lao động đã qua đào tạo chiếm 55%.
Đặc biệt mảnh đất địa linh, nhân kiệt xứ Thanh còn có một tiềm năng lớn về du lịch, phát triển văn hóa với nhiều di tích lịch sử quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và các danh lam thắng cảnh như: Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Sầm Sơn, Bến En...
9 tháng đầu năm 2016, kinh tế-xã hội Thanh Hóa tiếp tục ổn định và có bước phát triển với mức tăng GRDP ước đạt 8,06% là mức tăng cao trong điều kiện còn nhiều khó khăn; thu ngân sách nhà nước đạt 8.484 tỷ đồng. Công tác vận động, xúc tiến đầu tư và hoạt động kinh tế đối ngoại tiếp tục được tăng cường với 158 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 18.361 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn đăng ký đầu tư so với cùng kỳ.
Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) để nghiên cứu đầu tư Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bến En với tổng mức đầu tư 9.990 tỷ đồng.
Thanh Hóa ước tính, năm 2016, sẽ đạt mức tăng trưởng 9,07%, vượt mục tiêu 9% theo kế hoạch đã đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.648 USD (kế hoạch là 1.630 USD).
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh đã tổ chức rà soát tổng thể cơ cấu, tổ chức hệ thống cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và tổ chức đoàn thể, đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã để tăng cường quản lý và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ.
Khó khăn của Thanh Hóa là chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nhìn chung còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư vào địa bàn; một số lĩnh vực văn hóa-xã hội còn hạn chế; chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng miền; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu xã hội; lực lượng doanh nghiệp phát triển khá nhanh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; một số vấn đề bức xúc chậm được giải quyết; kết quả xoá đói, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trung bình của cả nước.
Ngoài ra, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số lĩnh vực, ngành, địa phương còn bất cập.
Công tác dân vận có lúc, có việc còn lúng túng; nắm tình hình nhân dân chưa sát, tham mưu giải quyết các vụ việc nảy sinh còn chậm. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kết quả chưa cao; tổ chức, bộ máy một số cơ quan nhà nước còn bất cập; cải cách hành chính có mặt chưa đạt yêu cầu.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, là một tỉnh lớn của cả nước Thanh Hóa đã xây dựng một số mô hình quản lý, phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá tốt.
Kết quả kinh tế-xã hội vượt chỉ tiêu trong bối cảnh khó khăn của cả nước. Đây là thành tựu đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng lớn về điều kiện tự nhiên, xã hội, hạ tầng cơ sở tương đối cơ bản và đặc biệt là nguồn nhân lực, lao động dồi dào - một thế mạnh nội tại của tỉnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện cơ cấu kinh tế vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa phát huy được tối đa lợi thế sẵn có cả về nông nghiệp và công nghiệp.
Thanh Hóa còn có sự phân hóa, chênh lệch trong phát triển; quy mô kinh tế còn nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp còn rất thấp đẫn đến thiếu động lực trong giải quyết việc làm, thu ngân sách; ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, du lịch.
Đặt vấn đề phát triển địa phương trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa làm tốt công tác quy hoạch; chú trọng lựa chọn các ngành, khu vực, lĩnh vực ưu tiên phát triển; xã hội hóa mạnh mẽ mọi nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả, tinh gọn; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội.
Thanh Hóa cần tìm ra những mô hình kinh tế phù hợp, cải thiện hiệu quả đầu tư và năng suất lao động song song với giữ gìn môi trường sống, xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, nâng cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp và nhân dân.
Đề nghị Thanh Hóa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của một “Việt Nam thu nhỏ,” Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai quyết liệt hành động theo tinh thần các Nghị quyết 35, 19 của Chính phủ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho hoạt động của mọi thành phần kinh tế nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo Thanh Hóa coi trọng và tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng, đẩy mạnh đưa doanh nghiệp về nông thôn, ứng dụng rộng rãi hơn khoa học công nghệ trong quản lý và sản suất, từng bước chuyển đổi có hiệu quả lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp.
Thủ tướng lưu ý tỉnh tiếp tục chỉ đạo ưu tiên phát triển khu vực phía Tây Thanh Hóa - nơi điều kiện sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn và quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư công, không làm phát sinh nợ mới, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước.
Mong muốn Thanh Hóa thực hiện tốt và hiệu quả hơn công tác quy hoạch phát triển đô thị, đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới bình quân cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong phát triển kinh tế-xã hội cần làm tốt nhiệm vụ chống tiêu cực, tham nhũng, tránh tình trạng “sân trước, sân sau”; giữ gìn tốt môi trường biển, sông, đảm bảo đời sống người dân trên địa bàn./.