Thanh Hóa quan tâm chăm lo đời sống các gia đình chính sách

Các địa phương trong tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Thanh Hóa quan tâm chăm lo đời sống các gia đình chính sách ảnh 1Trong những năm qua, công tác chăm lo đời sống người có công luôn được địa phương quan tâm thực hiện. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa,” coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, các địa phương trong tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) hiện có 6.200 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Trong những năm qua, công tác chăm lo đời sống người có công luôn được địa phương quan tâm thực hiện.

Từ giữa tháng 7/2021, huyện đã lập các đoàn công tác đến tặng quà, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7.

[Nơi đâu ở Việt Nam cũng khắc ghi sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc]

Năm nay, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, huyện Quảng Xương đã trao 60 suất quà, mỗi suất trị giá 800.000 đồng để hỗ trợ thêm cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chung tay chăm lo đời sống người có công bằng nhiều việc làm thiết thực.

Hiệp hội Doanh nghiệp huyện đã trích 60 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Nam Thanh Hóa cũng đã tặng 20 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng để tri ân các gia đình chính sách…

Đối với 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, hiện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã nhận phụng dưỡng các mẹ mỗi tháng 1 triệu đồng.

Huyện đoàn Quảng Xương cũng thường xuyên cử cán bộ đoàn đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các Mẹ trong cuộc sống thường ngày. Tuy giá trị về vật chất không nhiều, nhưng đã thể hiện sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội đối với công tác "Đền ơn đáp nghĩa."

Ông Nguyễn Đắc Huân, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương, cho biết thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công về nhà ở, từ năm 2008 đến năm 2020, địa phương đã sửa chữa và xây mới được 1.692 ngôi nhà cho các đối tượng người có công, với tổng hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng.

Hiện nay, 100% đối tượng người có công trên địa bàn đều có nhà ở kiên cố. Tuy nhiên, theo khảo sát, địa phương vẫn còn khoảng 10 trường hợp thuộc diện trợ cấp 1 lần vẫn chưa thoát nghèo (chủ yếu là người già, ốm đau, bệnh tật).

Địa phương đang khảo sát nhu cầu để có hướng hỗ trợ thiết thực và bền vững, phấn đấu hết năm 2021, sẽ không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng…

Thành phố Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, hiện có 34.341 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó hơn 8.000 người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

Tháng 7- tháng tri ân các anh hùng liệt sỹ, thành phố đã thành lập 14 đoàn đến thăm hỏi, tặng quà 90 gia đình người có công tiêu biểu, người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật.

Ngoài mức hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, thành phố đã trích kinh phí từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tặng 110 suất quà, mỗi suất trị giá 1,3 triệu đồng để thăm hỏi động viên các gia đình chính sách ở 3 địa phương: Thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, Ngọc Lặc. Địa phương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn; Bộ Tư lệnh Quân khu 4; Trường mầm non Thanh Xuân Nam và Thanh Xuân Bắc trao kinh phí phụng dưỡng 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại địa phương.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Thanh Hóa, cho biết cùng với các hoạt động thăm hỏi, tri ân, thực hiện chính sách về nhà ở cho các gia đình có công với cách mạng, từ năm 2008 đến năm 2019, thành phố đã sửa chữa và xây mới được 578 ngôi nhà trị giá 17,1 tỷ đồng.

Đến nay, 100% đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố đều có nhà ở kiên cố; không còn gia đình chính sách là hộ nghèo; người có công đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trong khu dân cư.

Ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công, thành phố Thanh Hóa cũng đã tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa.”

Từ nguồn quỹ, thành phố đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, như hỗ trợ sửa chữa và làm mới nhà ở cho người có công, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ...

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 350.141 người có công, trong đó có 4.625 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện có 111 bà mẹ còn sống.

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến nay hầu hết người có công với cách mạng và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở; 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được phụng dưỡng.

Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa,” chăm sóc người có công trên địa bàn đã thực sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, giúp họ từng bước vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục