Cùng với cả dân tộc và triệu triệu đồng bào trong cả nước, nhiều ngày qua, đông đảo bà con các dân tộc tại Hà Giang - một tỉnh nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc tràn ngập niềm tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh hùng của dân tộc, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh cả của Quân đội Việt Nam và nhà quân sự thiên tài của thế kỷ 20. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự 11 huyện, thành phố và các cấp Hội Cựu chiến binh của tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, tại Hội trường của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, một trong những địa điểm của tỉnh tổ chức Lễ viếng Đại tướng đã thu hút hàng nghìn cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân. Tất cả mọi người đã nghiêng mình thắp nén hương thơm trước di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh cao cả của Đại tướng đã trọn một đời cống hiến cho quê hương đất nước. Tại Quảng trường 26/3 thành phố Hà Giang - nơi Bác Hồ đã lên thăm và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang năm 1961, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, hàng trăm học sinh các dân tộc thiểu số trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang và thanh niên các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc đã nghiêng mình trước di ảnh của Đại tướng và cùng thắp lên 103 ngọn nến tri ân. Những ngày này, trên mảnh đất Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nhân dân các dân tộc thiểu số đều lặng chìm trong nỗi đau và khoảnh khắc tiễn biệt một vị tướng huyền thoại về nơi an nghỉ cuối cùng. Thức dậy từ lúc hơn 5 giờ sáng, bà con các dân tộc ở các thôn bản vùng sâu, xa, biên giới của các xã Lũng Cú và Ma Lé đã đi bộ hàng chục cây số đường đá núi tai mèo để tập trung về Đồn Biên phòng Lũng Cú dự lễ viếng và thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bàn thờ được lập ở hội trường của đơn vị.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam - tại lễ thành lập đội trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng ngày 22/12/1944.
Thượng tá Nguyễn Hải Lý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết ngay từ sáng sớm, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã cùng với cấp ủy, chính quyền 2 xã Lũng Cú và Ma Lé, cùng với các thầy cô giáo và hàng trăm bà con nhân dân các dân tộc của 2 xã xếp hàng thắp nén tâm hương tỏ lòng thành kính với anh linh Đại tướng. Sau nghi lễ viếng, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã mở tivi để tất cả cán bộ, chiến sỹ, thầy cô giáo và bà con các dân tộc nơi đây xem các chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Những giọt nước mắt, những cảm xúc khi nghĩ và nhớ về vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc dâng trào trong lòng mỗi người dân vùng cao. Gìn giữ, nâng niu bức ảnh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chụp chung với gia đình, bà Nguyễn Thị Hương, 71 tuổi ở xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết: "Cách đây hơn 30 năm, khi ấy tôi mới 40 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần lên thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tuyên. Đại tướng cùng đồng chí Viên Thế Nghiêu, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tuyên đã đến thăm gia đình tôi. Trong chuyến thăm ấy, tôi đã vinh dự được chụp ảnh cùng với Đại tướng và đoàn công tác. Trải qua năm tháng, nhưng gia đình tôi vẫn trân trọng lưu giữ tấm ảnh cho đến ngày hôm nay. Nghe tin Đại tướng mất, cả gia đình tôi ai cũng cảm thấy sững sờ. Mất Đại tướng, chúng tôi như mất đi người thân của mình," bà Hương nghẹn ngào nói. Ông Triệu Đức Thanh, dân tộc Dao, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang vinh dự được diện kiến Đại tướng hai lần (lần thứ nhất vào tháng 8/1996 và lần thứ 2 vào tháng 8/2001). Biết ông là người dân tộc Dao, Đại tướng đã hỏi thăm ông bằng tiếng dân tộc Dao “Ỳ tsản bua miền dhiêm nàm lhang tóng mài lháng cáo nhản mái,” tức là: “Bây giờ người Dao ta ở vùng cao đã đủ ăn chưa?.” Lúc đó, ông đã báo cáo với Đại tướng về tình hình đời sống của đồng bào. Đại tướng nói: "Tôi hoan nghênh đồng bào đã phấn đấu có đủ lương thực ăn, không đói, song Đảng bộ tỉnh Hà Giang phải tiếp tục lãnh đạo để đồng bào các dân tộc làm giàu theo đà chung của đất nước." Lần thứ hai ông Thanh được gặp Đại tướng vào tháng 8/2001, lúc đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về chúc thọ Đại tướng. Đại tướng đã nói "Xin chúc cho Hà Giang mau tiến kịp với miền xuôi." Nhớ về Đại tướng, ông Thanh coi hai lần vinh dự gặp Đại tướng là niềm tự hào, là kỷ niệm sẽ được ông trân trọng giữ gìn mãi. Để Hà Giang mau tiến kịp với miền xuôi, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết gắn bó, thống nhất ý chí đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một đi lên, phấn đấu sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn kém phát triển. Giờ đây, các chủ trương, đường lối của Đảng đã được cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của Hà Giang. Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã gắn với các chương trình, đề án thực hiện “Bốn đổi mới,” “Tám đột phá,” “15 chương trình trọng tâm” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được chú trọng chỉ đạo thực hiện, diện mạo nông thôn Hà Giang ngày một đổi mới./.
Minh Tâm (TTXVN)