Ngày 15/5, tại Hà Nội, Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tổng cục Hải quan Việt Nam tổ chức Hội thảo thành lập Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia tại Việt Nam.
Hội thảo tạo điều kiện để các bên liên quan cùng tham vấn về việc thành lập Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia tại Việt Nam, hoặc chỉ định một cơ chế hiện có nhằm phối hợp với các cơ quan trong nước để thực thi những quy định của Hiệp định Tạo thuận lợi hóa thương mại, vốn đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 do Tổ chức Thương mại Thế giới tổ chức từ năm 2013.
Theo ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan, một ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại là điều hết sức cần thiết để tăng cường hoạt động quản lý hải quan, cũng như đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, đảm bảo cho sự phối hợp giữa các bên liên quan được dễ dàng, thông suốt qua đó tăng cường mối quan hệ đối tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.
Bà Phạm Thanh Bình, Chuyên gia tư vấn, Dự án GIG cho biết theo khảo sát của Tổ chức Hải quan quốc tế (WCO) vừa công bố tháng 4/2015 đã có 23/66 quốc gia thành viên WCO đã có ủy ban hoặc tổ chức phụ trách vấn đề tạo thuận lợi thương mại.
Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, Dự án GIG nghiên cứu và thấy rằng các yếu tố như thiếu sự minh bạch về chính sách, pháp luật cùng sự phức tạp về thủ tục hành chính nhất là ở khâu thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu chính là bất cập gây cản trở hoạt động thương mại. Đó là chưa kể những hạn chế về cơ sở hạ tầng, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa giữa nội địa và các cửa khẩu.
Bà Phạm Thanh Bình cho rằng, việc thành lập Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015-2016.
Đối với ngành hải quan, việc thành lập ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý; giảm thời gian thông quan; tăng cường hợp tác hải quan quốc tế.
Đối với doanh nghiệp, sẽ nhận được nhiều lợi ích như giảm thời gian thông quan, giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng được thị trường.
Theo đánh giá của ông Pete Faust, Chuyên gia quốc tế về tạo thuận lợi thương mại (Dự án GIG), sự tham gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình tiến tới việc thành lập Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia tại Việt Nam. Bởi lẽ, chính họ sẽ đảm bảo cho hoạt động của ủy ban này đáp ứng các nhu cầu của doanh nhân cũng như của cộng đồng doanh nghiệp.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Trần Hữu Huỳnh, nhận định việc thành lập Ủy ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia tại Việt Nam là nhằm hướng tới việc thực thi các cam kết đối với doanh nghiệp và cộng đồng kinh tế quốc tế được tốt hơn. Các hoạt động và chương trình mà ủy ban này thực hiện sẽ rất hữu ích và giúp tiết giảm chi phí thương mại, giúp tăng cơ hội tạo công ăn việc làm và thu nhập, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, quy mô của các doanh nghiệp trong nước đã và đang ngày càng phát triển lớn hơn. Họ được Nhà nước trang bị ngày càng nhiều quyền hơn. Đây cũng chính là sức ép để thúc đẩy hoạt động của ủy ban này nhiều khả năng sẽ hiệu quả hơn mọi ủy ban và hội đồng hiện có.
Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia tại Việt Nam cần sự tham gia của tất cả các bộ, ban, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, đặc biệt không thể thiếu vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí./.