Nộp đơn xin phá sản

Thành phố Detroit chính thức nộp đơn xin phá sản

Ngày 18/7, Detroit đã trở thành thành phố lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản, với khoản nợ lên đến 18 tỷ USD.
Ngày 18/7, Chính quyền thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ, đã đệ đơn lên tòa án bang xin bảo hộ phá sản sau nhiều thập kỷ vật lộn với suy thoái và quản lý yếu kém.

Quyết định trên đã đưa "chiếc nôi" của ngành công nghiệp ôtô Mỹ trở thành thành phố lớn nhất tuyên bố phá sản trong lịch sử nước này.

Phát biểu trên truyền hình, Thống đốc bang Michigan Rick Snyder nêu rõ quyết định đệ đơn bảo hộ phá sản là một việc làm cần thiết và đúng đắn nhất đối với Detroit do thành phố hiện không có khả năng tạo ra đủ lợi nhuận để thực hiện các nghĩa vụ cũng như chi trả nợ nần.

Thống đốc Snyder đã chỉ định ông Kevyn Orr, một chuyên gia về vấn đề phá sản, làm Giám đốc khẩn cấp của Detroit để "cứu" thành phố khỏi khoản nợ dài hạn sau khi Detroit tuyên bố tình trạng khẩn cấp tài chính hồi tháng Ba.

Nếu tòa án liên bang chấp nhận đơn xin bảo hộ phá sản, hàng nghìn chủ nợ sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với ông Kevyn Orr để tìm ra phương án giải quyết khoản nợ khổng lồ ước tính 18,5 tỷ USD.

Khác với các vụ phá sản tập đoàn và công ty, lịch sử nước Mỹ chứng kiến rất ít các trường hợp phá sản cấp thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc vụ Detroit sẽ không có các quy tắc tiền lệ, thêm vào đó, số lượng chủ nợ đông đảo dự báo một chặng đường gian nan phía trước.

Giới chuyên gia cảnh báo "cuộc chiến" này có thể kéo dài từ 1-3 năm với tốn kém lên tới hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, phát biểu họp báo ngày 18/7, ông Orr hy vọng Detroit có thể thoát khỏi tình hình phá sản vào cuối năm 2014.

Trước tình hình trên, phát ngôn viên Nhà Trắng Amy Brundage cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đội ngũ cố vấn kinh tế cấp cao đang theo dõi sát sao tình hình tại Detroit, đồng thời khẳng định chính phủ sẽ sát cánh cùng chính quyền địa phương nhằm giải quyết khủng hoảng.

Trước đó, một số thành phố lớn như New York, Philadelphia và Cleveland đều rơi vào tình cảnh khó khăn nhưng cuối cùng vẫn tránh được phá sản chính thức.

Được thành lập cách nay hơn 300 năm, thành phố Detroit phát triển với tốc độ vượt bậc trong nửa đầu thế kỷ XX với sự đổ bộ của các công ty hàng đầu trong ngành ôtô, biến nơi đây thành một thủ phủ của ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên, từ nửa sau của thế kỷ XX, thành phố bắt đầu sa sút.

Cư dân giảm từ con số 1,8 triệu người năm 1950 xuống khoảng 700.000 người hiện nay. Có tới 78.000 ngôi nhà trong thành phố bị bỏ hoang và đổ nát, 40% đèn đường không sử dụng và chỉ 1/3 tổng số xe cứu thương còn hoạt động.

Detroit nằm trong danh sách những thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ với tỷ lệ tội phạm hình sự cao nhất trong hai thập kỷ trở lại đây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục