Thanh tra châu Âu điều tra hợp đồng mua vắcxin ngừa COVID-19 của EU

EC đã chi khoảng 2,5 tỷ euro cho các khoản trả trước để đảm bảo mua được 2,3 tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 của sáu công ty và các điều khoản quan trọng khác đang được bảo mật.
Thanh tra châu Âu điều tra hợp đồng mua vắcxin ngừa COVID-19 của EU ảnh 1Dây chuyển sản xuất vắcxin ngừa COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/1, Cơ quan thanh tra châu Âu cho biết đang điều tra các nội dung bí mật trong những hợp đồng mua vắcxin ngừa COVID-19 của Ủy ban châu Âu (EC).

EC đã chi khoảng 2,5 tỷ euro cho các khoản trả trước để đảm bảo mua được 2,3 tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 của sáu công ty. Giá cả, điều khoản giao hàng và các điều khoản quan trọng khác đang được bảo mật.

Một phát ngôn viên của Cơ quan thanh tra châu Âu cho biết vừa mở một cuộc điều tra về việc EC từ chối công khai các tài liệu liên quan đến việc mua vắcxin ngừa COVID-19. EC từng cho hay rằng bảo mật là điều kiện quan trọng để Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận tốt hơn với các hãng dược.

Nhóm theo dõi vận động hành lang Corporate Europe Observatory đã yêu cầu quyền truy cập hợp đồng EU đã ký với AstraZeneca và các tài liệu liên quan đến các cuộc đàm phán về vắcxin. Thanh tra cho biết EC đã từ chối yêu cầu thứ nhất và chưa quyết định về yêu cầu thứ hai.

[Dịch COVID-19: EU gấp rút thực hiện tận dụng vắcxin để tăng số liều]

Trong một bức thư gửi cho Chủ tịch EC, Cơ quan thanh tra viết rằng vì lợi ích của công chúng đối với vấn đề này, họ sẽ yêu cầu EC đưa ra quyết định xác nhận đối với cả hai yêu cầu truy cập càng sớm càng tốt và chậm nhất là vào ngày 11/2 tới.

Mọi công dân EU đều có quyền khiếu nại với Thanh tra để điều tra về một tổ chức của EU với lý do hoạt động kém hiệu quả. Những yêu cầu về việc công bố tài liệu có thể bị các thể chế của EU từ chối nếu việc công bố một số thông tin bị coi là chống lại lợi ích công cộng.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 22/1 thông báo đã đạt được một thỏa thuận với hãng dược Pfizer về việc cung cấp 40 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, qua đó cho phép tổ chức quốc tế này bắt đầu hoạt động tiêm chủng vào tháng tới tại các quốc gia nghèo và có thu nhập trung bình thấp theo Chương trình vắcxin COVAX - do WHO và Liên minh vắcxin toàn cầu GAVI cùng chịu trách nhiệm.

Phát biểu họp báo tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận rằng chương trình COVAX có thể bắt đầu chuyển giao các liều vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước trong tháng Hai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục