Dịch COVID-19: EU gấp rút thực hiện tận dụng vắcxin để tăng số liều

Cơ quan quản lý dược phẩm của EU cho phép chiết xuất 6 liều tiêm từ mỗi lọ vắcxin thay vì 5 liều như trước đây để có thể tiêm chủng được cho nhiều người hơn và tiết kiệm chi phí.
Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đảm bảo đủ các ống tiêm đặc biệt để có thể chiết xuất được 6 liều từ mỗi lọ vắcxin của Pfizer phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong nỗ lực tiêm chủng cho nhiều người hơn và tiết kiệm chi phí.

Vắcxin do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức phát triển là loại vắcxin đầu tiên được EU phê duyệt vào tháng 12/2020.

Ban đầu loại vắcxin này được bán trên thị trường EU theo lọ, với liều lượng mỗi lọ 5 liều tiêm, nhưng sau khi xem xét lượng vắcxin trong mỗi lọ, cơ quan quản lý dược phẩm của EU ngày 8/1 đã cho phép chiết xuất 6 liều tiêm từ mỗi lọ vắcxin.

[Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến sản xuất vắcxin?]

Với quyết định trên của EU, số liều tiêm thực tế sẽ nhiều hơn, do đó Pfizer nâng mục tiêu sản lượng năm nay lên 2 tỷ liều vắcxin so với 1,3 tỷ liều dự kiến ban đầu.

Tuy nhiên, các quốc gia EU mua vắcxin có thể đối mặt với tình thế bất lợi là phải trả tiền 6 liều cho mỗi lọ vắcxin, bất kể có khả năng chiết xuất đủ 6 liều hay không.

Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về các thỏa thuận giá cả sau khi thay đổi quy định.

EU là thị trường tiêu thụ vắcxin hàng đầu thế giới và Pfizer/BioNTech là nhà cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 lớn nhất cho EU.

Liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19, sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 21/1, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã đi đến thống nhất tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, công nhận lẫn nhau đối với kết quả xét nghiệm và xem xét hạn chế các di chuyển không cần thiết qua biên giới, trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch khi phải đối mặt với mối đe dọa từ các biến thể mới của virus gây bệnh.

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết biên giới nội khối EU phải được mở, vận chuyển hàng hóa sẽ được tiếp tục nhưng cần phải xem xét hạn chế các hoạt động di chuyển không thiết yếu.

Chủ tịch Michel cho biết lãnh đạo các quốc gia thành viên đã nhất trí về một khuyến nghị của Hội đồng châu Âu thiết lập một khuôn khổ chung cho việc sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh và công nhận lẫn nhau về kết quả xét nghiệm COVID-19 trên toàn EU.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh phải hạn chế tất cả các chuyến du lịch không thiết yếu cả trong nước cũng như xuyên biên giới.

Tuy nhiên, cả hai quan chức đều cho rằng hoạt động của thị trường chung và việc di chuyển xuyên biên giới của những lao động làm việc trong các ngành thiết yếu phải tiếp tục được duy trì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục