Tháo gỡ nguồn cung tài chính cho khoa học công nghệ

Huy động các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ là vấn đề cần giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cơ chế tài chính dành cho khoa học và công nghệ đang là một trong mối quan tâm hàng đầu của giới khoa học hiện nay và cũng là vấn đề cấp thiết trong tiến trình đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia, việc đổi mới cơ chế chính sách tài chính vốn mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc thù hoạt động nghiên cứu sáng tạo, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ là một trong những vấn đề cần có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ.

Khó khăn từ nguồn cung

Hiện đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ chiếm khoảng gần 1% GDP với 3 nguồn: Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp, trong đó từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 0,5%, còn lại đến từ xã hội và doanh nghiệp. Con số này cho thấy nguồn lực từ xã hội và doanh nghiệp chưa được phát huy.

Con số đầu tư ít là vậy, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn này còn bị sử dụng kém hiệu quả, do việc Nhà nước vừa là người xét duyệt vừa là người cấp phát, dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi," gây thất thoát và sử dụng không hiệu quả. Hệ quả tiêu cực không tránh khỏi là cơ chế "xin - cho," trong đó nguy cơ các mối quan hệ cá nhân tác động tới quyết định cấp phát là rất cao.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, số liệu tuyệt đối về tổng chi cho khoa học công nghệ đã tăng từ 5.890 tỷ đồng năm 2006 lên 14.442 tỷ đồng vào năm 2011, đạt mức 2% tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN), tương đương 0,5 - 0,6% GDP. Trong đó chi đầu tư - phát triển chiếm tỷ trọng bình quân 35,5% và chi thường xuyên 48%, đạt mức 5.019,7 tỷ đồng vào năm 2011. Trong khi đó, mức đầu tư cho khoa học và công nghệ bằng ngân sách nhà nước ở Trung Quốc hiện nay là 2,2% và Hàn Quốc lên đến 4,5% GDP.

Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, mức đầu tư cho khoa học và công nghệ của Việt Nam là không thấp so với các quốc gia trên thế giới. Nhưng con số tuyệt đối tính trên đầu người dân cũng như tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ vào loại thấp nhất khu vực và thế giới (mức bình quân của các quốc gia trên thế giới là 1,9% GDP, trong đó các quốc gia phát triển chi tới 2,7 - 3,5% GDP cho khoa học và công nghệ).

Dù phát triển khoa học và công nghệ được coi là "quốc sách hàng đầu," nhưng đại diện của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật (VUSTA) cho biết, đầu tư hàng năm cho khoa học lại xếp dưới các ngành văn hóa - thể thao, thủy lợi, hóa học.

Không những thế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ lại quá dàn trải. “Việc đăng ký đề tài đều được thông báo đến cho 29 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành. Đơn vị nào cũng muốn có một chút tiền. Chúng tôi ở vị trí chia tiền, quyết định để ai, cắt ai là rất khó. Không có nước nào, đặc biệt là các nước đang phát triển lại đầu tư vào hầu hết các ngành, lĩnh vực mà phải có mũi nhọn, trọng điểm” - Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Đặng Huy Đông, ông Lê Bộ Lĩnh, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: “Với số tiền 400 tỷ đồng/năm mà phải chi cho tới 7.500 cán bộ khoa học và 150 tổ chức khoa học nông nghiệp cùng hàng nghìn đề tài khoa học. Tất cả mọi nơi đều kêu thiếu tiền, đầu tư như vậy rất khó có hiệu quả.”

Ngoài ra, theo nhiều nhà khoa học, tư duy quản lý khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn theo lối cũ, quản lý bằng kế hoạch hóa. Thông thường, từ khi đề xuất đề tài đến khi nhận được tiền mất khoảng hai năm, khi ấy các vấn đề nghiên cứu có khi không còn mới nữa, đồng thời hệ số trượt giá cũng làm chi phí thực tế đội lên rất nhiều.

Tiến sỹ Đỗ Đức Chi, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, cho rằng cơ chế tài chính chậm chi trả, đang thực hiện lại phải chờ kinh phí… khiến các nhà khoa học giảm đam mê, nhiệt huyết và hạn chế khả năng sáng tạo. Chỉ ra từ thực tiễn của bản thân, ông Chi cho biết, đến nay nhiều kinh phí còn lại của những dự án năm ngoái vẫn chưa được trả, còn kinh phí cho các dự án nghiên cứu triển khai năm nay thì vẫn chưa có. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng khi thực hiện đề tài nghiên cứu, giới khoa học chỉ lo làm thế nào để hợp thức hóa các chứng từ đã mất quá nhiều thời gian. Dẫn đến hệ lụy, nhiều nhà khoa học buộc phải "bịa" ra các chuyên đề. Có đề tài lên tới hàng trăm chuyên đề, trong khi thực tế khoảng hơn chục chuyên đề.

Xã hội hóa để tăng nguồn tài chính ngoài ngân sách

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng cần đổi mới cơ chế, chính sách tài chính theo hướng tăng nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước cho khoa học và công nghệ; tạo động lực cho tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Một giải pháp quan trọng là cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ. Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, cần phải quan tâm đến vấn đề xã hội hóa, nhưng không xã hội hóa như các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... Việc xã hội hóa này thực ra cũng là đầu tư, tức là nguồn đầu tư ngoài nhà nước. Tính xã hội hóa ở đây hơi khác, chủ yếu là huy động nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển khoa học - công nghệ.

Trước vấn đề này, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để thực hiện nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ đổi mới công nghệ và sản phẩm; doanh nghiệp được khấu hao nhanh đối với tài sản, thiết bị, máy móc; được vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tiến hành hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Để khắc phục những hạn chế do tư duy quản lý cũ, nhiều ý kiến cho rằng cần ban hành cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước có mức thu thấp hoặc không có thu.

Áp dụng cơ chế khoán đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trên cơ sở thẩm định kỹ về nội dung, sản phẩm nghiên cứu và dự toán kinh phí thực hiện.

Việc thanh, quyết toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ phải căn cứ vào kết quả đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu là chủ yếu; bãi bỏ các thủ tục thanh, quyết toán không còn phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ chế khoán hoạt động hiệu quả không hề dễ dàng, đòi hỏi khâu quản lý kết quả sản phẩm đầu ra vô cùng nghiêm ngặt. Nếu không, vô hình chung lại trở thành lãng phí và bị lợi dụng, trong bối cảnh cơ chế nghiệm thu phản biện khoa học ở Việt Nam bị không ít những phê phán những năm gần đây./.

Quốc Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục