Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự

Chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Ngô Minh Tiến phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Còn ý kiến khác nhau về độ tuổi gọi nhập ngũ

Qua thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã góp ý trực tiếp và làm rõ thêm một số nội dung của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Nội dung nhận được nhiều ý kiến đại biểu quan tâm là độ tuổi gọi nhập ngũ (Điều 31).

Nhất trí với dự thảo Luật là “Công dân đủ mười tám tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ mười tám tuổi đến hết hai mươi lăm tuổi; công dân đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết hai mươi bảy tuổi,” đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng: Dự thảo luật quy định như vậy bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Hiến pháp; đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang, bảo đảm nguồn nhân lực cho bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lại cho rằng nội dung quy định tại điều này chưa hoàn toàn phù hợp. Theo đại biểu Tính: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của mỗi công dân Việt Nam. Do đó, cần tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự. Trong thời bình mỗi người đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự chỉ nhập ngũ một lần và thời gian tại ngũ là 24 tháng.

Việc quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 đến 27 tuổi là phù hợp. Bởi, độ tuổi này còn trẻ và hội tụ điều kiện tốt nhất để công dân phục vụ quân đội, góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc phòng.

Mặt khác, việc quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự đến 27 tuổi, nhằm tạo điều kiện cho tất cả các trường hợp được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi không còn thuộc trường hợp tạm hoãn thì phải thực hiện nghĩa vụ. Quy định như vậy, vừa đảm bảo nguyên tắc công bằng, vừa tạo điều kiện cho tất cả những người đã được tạm hoãn theo quy định, khi hết lý do tạm hoãn thì thực hiện nghĩa vụ quân sự, chứ không chỉ áp dụng riêng đối với trường hợp tạm hoãn là đang học đại học chính quy như dự thảo luật.

Cũng góp ý về độ tuổi gọi nhập ngũ, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị giữ nguyên độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến 25 tuổi như hiện hành và không quy định nội dung là đối với công dân đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Đại biểu Cảnh cho rằng kể cả sinh viên y khoa với khóa học 6 năm, khi ra trường cũng chưa tới 25 tuổi; chỉ có một số rất ít sinh viên ra trường là quá 25 tuổi. Theo đại biểu, không vì số ít mà điều chỉnh từ 25 tuổi lên 27 tuổi.

Bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

Một trong những nội dung nữa nhận được ý kiến của đại biểu Quốc hội là về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ (Điều 42). Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) cho rằng: Khoản 4, Điều 42, quy định “Danh sách công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọi nhập ngũ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã,” là chưa thống nhất với Điều 15 của dự thảo Luật; đồng thời chưa đảm bảo yêu cầu chặt chẽ về sự công khai, minh bạch, bởi ở đâu đó, địa phương này, địa phương khác vẫn còn nhiều dư luận về vấn đề tiêu cực trong việc tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo đại biểu Phương nên sửa đổi Điều 42 theo hướng bổ sung: “Công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọi nhập ngũ phải được công khai tại trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã, trụ sở cơ quan, tổ chức nơi công dân công tác.”

Góp ý về vấn đề trên, đại biểu Huỳnh Văn Tính cho rằng: Tại điểm g, khoản 1, Điều 42, dự thảo Luật quy định "Đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian một khóa đào tạo,” nhưng có trường đại học lại đào tạo theo tín chỉ kéo dài đến 6 đến 7 năm hoặc cho phép sinh viên học song song hai chương trình trong một khóa đào tạo. Như vậy, quy định thế này sẽ tạo cho một số công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đại biểu Tính đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các quy định hiện hành của Luật giáo dục đại học để bảo đảm sự thống nhất chung, tránh sự chồng chéo quy định giữa hai luật; đảm bảo quyền cơ bản của công dân trong việc học tập và thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo đó, cần bổ sung vào cuối điểm g, khoản 1, Điều 42, cụm từ “của một trình độ đào tạo.”

Cũng góp ý về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ (Điều 42), đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể trường hợp công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ do đang học đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân ngay khi tốt nghiệp thì gọi nhập ngũ ngay. Nếu để công dân đi làm 1 năm, 2 năm mới gọi thì sẽ gây khó khăn cho công dân.

Ngoài không nội dung trên, đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) như Nghĩa vụ quân sự; quyền và nghĩa vụ của hạ sỹ quan, binh sỹ; cơ sở dữ liệu nghĩa vụ quân sự; công dân nữ phục vụ tại ngũ; đăng ký nghĩa vụ quân sự; thủ tục gọi nhập ngũ; kiểm tra khám sức khỏe; Hội đồng nghĩa vụ quân sự....

Theo chương trình, sáng mai (22/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục