Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc) nằm trên địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.
Cụm di tích Tháp Bánh Ít nằm trên quả đồi tự nhiên cao chừng trăm mét được ôm ấp bởi hai nhánh của sông Côn.
Sử sách có ghi lại, vào thế kỷ 11, người Chăm đã xây dựng đền tháp của mình trên đỉnh các quả đồi để tạo sự uy nghi và hùng vĩ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, tháp Bánh Ít được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 11, với bốn ngọn tháp gồm tháp Cổng, tháp Bia, tháp Yên Ngựa và tháp Chính. Với lối kiến trúc một ngôi tháp lớn có độ cao khoảng 30m được bao quanh bằng nhiều ngôi tháp nhỏ đã tạo nên một khu di tích tín ngưỡng với nhiều loại hình kiến trúc trong đó mỗi ngọn tháp sẽ đảm nhận vai trò, công năng khác nhau.
Vật liệu xây dựng ở tháp Bánh Ít rất đa dạng, người Chăm thường dùng đá sa thạch, đá hoa cương và gạch được điêu khắc để xây dựng. Đặc biệt, các tháp thường xây dựng theo hình vuông và cửa quay về hướng Đông.
Quần thể tháp Bánh Ít có nhiều tượng, phù điêu với đường nét chuyển động duyên dáng thể hiện văn hóa Chăm thời kỳ này. Ngoài ra còn có các linh vật cả trong cuộc sống thực lẫn từ thần thoại như voi, hổ, garuđa cũng là một chủ đề được sử dụng rất nhiều trong hệ thống tháp Bánh Ít.
Với sự kết hợp nhịp nhàng của sự trang nhã, khỏe khoắn với độ hoành tráng của kiến trúc Chăm, tháp Bánh Ít là một kiệt tác trong kiến trúc nghệ thuật tháp Chăm trên mảnh đất Bình Định./.