Thầy trò Hà Nội tăng tốc chuẩn bị cho kỳ thi đầy cam go vào lớp 10

Sáng học chính khóa, chiều phụ đạo, tối học thêm, cả thầy và trò các trường phổ thông ở Hà Nội đang nỗ lực ngày đêm để luyện thi vào lớp 10, kỳ thi cam go nhất của học sinh Thủ đô.
Học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội được tăng cường phụ đạo buổi chiều. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chỉ còn hơn một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ bắt đầu. Đây luôn là một kỳ thi vô cùng căng thẳng với học sinh và phụ huynh vì số lượng thí sinh đăng ký lớn trong khi cánh cửa trường công có hạn. So với các năm học trước, kỳ thi năm nay còn áp lực hơn khi học sinh phải nghỉ học ở trường mất ba tháng vì dịch bệnh COVID-19.

Đa dạng giải pháp sau COVID

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra vào các ngày 17 và 18/7. Năm 2020, Hà Nội có trên 107.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở (tăng 6.685 học sinh so với năm học 2018-2019). Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố dự kiến là 90.730 học sinh (tăng 5.776 học sinh so với năm học 2019-2020); trong đó các trường công lập tuyển 66.492 học sinh, chỉ chiếm khoảng 62%. Hà Nội còn có 2.788 chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 trường công lập tự chủ, 21.450 tuyển vào trường ngoài công lập. Tuy nhiên, đây là những trường có học phí cao. Vì thế, vào được cánh cửa trường công là mong muốn của đa số học sinh.

Chỉ tiêu vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2020-2021 và số học sinh dôi dư so với chỉ tiêu

Do kỳ nghỉ kéo dài, việc tiếp thu kiến thức trực tiếp trên lớp bị hạn chế nên để giúp học sinh vượt qua kỳ thi vào lớp 10 đầy cam go sắp tới, cả thầy và trò của các nhà trường đang ra sức tăng tốc để vừa phải hoàn thành chương trình chính khóa, lại có thể tranh thủ ôn luyện. Xây dựng kế hoạch cho học sinh học trực tuyến, tăng thời gian học trên lớp, đặc biệt chú trọng đến đối tượng học sinh yếu, kém để bồi dưỡng thêm… là những giải pháp được nhiều trường đưa ra.

[Hà Nội: Một số điểm mới của Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021]

Tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Sóc Sơn, ngoài các buổi học chính khóa vào buổi sáng, nhà trường tổ chức ôn tập vào buổi chiều cho học sinh tất cả các ngày trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Trường Trung học cơ sở Trung Văn cũng phụ đạo thêm ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh cho học sinh vào các buổi chiều.

Để giúp học sinh nắm kiến thức vững vàng hơn, Trường Trung học cơ sở Thăng Long còn xây dựng các câu hỏi kiến thức trắc nghiệm, chiếu trên màn hình led cỡ lớn ở sân trường để học sinh có thể ôn luyện thêm trước giờ vào lớp hay trong các giờ ra chơi, học thể dục. Theo lãnh đạo nhà trường, các câu hỏi đều được đội ngũ giáo viên biên soạn kỹ lưỡng. Phương thức này cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các học sinh, giúp các em học một cách thoải mái hơn, hào hứng hơn và từ đó dễ nhớ hơn, nhớ lâu hơn.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Thăng Long ôn tập trên màn hình led. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Học sinh tăng ba ca

Hồi hộp, lo lắng là tâm trạng của đa số học sinh thời điểm này. Vì thế, sự đồng hành của các thầy cô giáo là “liều thuốc” tinh thần quan trọng với mỗi học trò.

Em Nguyễn Thị Linh, học sinh Trường Trung học cơ sở Trung Văn bảo em khá lo về kỳ thi sắp tới, nhưng trường tổ chức phụ đạo các buổi chiều nên em bớt áp lực hơn: “Khi lên lớp, em có thể hỏi thầy cô những câu hỏi mình không biết. Khi thầy cô giảng thì kiến thức cũng ngấm hơn.”

Học ở trường cả sáng cả chiều nhưng như thế vẫn là chưa đủ yên tâm để có thể đỗ trường công, nhất là vào trường mình mong muốn, nhiều học sinh phải tăng cường học ca ba ở các trung tâm.

[Lịch thi vào lớp 10 của 4 trường THPT hệ chuyên của Hà Nội]

Đăng ký dự tuyển vào Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy, một trường có điểm chuẩn đầu vào các năm khá cao, tỷ lệ chọi lớn, nên Đặng Linh Chi-học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, cho biết lịch học của em khá căng thẳng. “Ai cũng lo lắng. Từ đầu năm lớp 9 em đã phải cố gắng nhiều. Ban ngày học ở trường, tối em đến trung tâm, có những hôm về muộn hoặc hôm sau có bài kiểm tra thì em phải thức đêm nữa,” Linh chia sẻ.

Giống như Linh, em Phan Thị Ý Nhi, Trường Trung học cơ sở Phương Mai chia sẻ em học kiến thức chính ở trường, luyện thêm ở nhà và đến các trung tâm luyện thi để kiến thức thấm hơn nữa. “Bạn nào cũng căng thẳng nhưng để đạt được nguyện vọng thì chúng em đều đặt việc học lên trên hết. Tối học đến khuya, sáng phải dậy sớm để học tiếp cũng có chút mệt mỏi nhưng vì mục tiêu nên em cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất,” Nhi nói.

Nỗ lực tối đa để có được “tấm vé” vào cánh cổng trường mình mong ước, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh cũng nên cân đối thời gian học với thời gian nghỉ ngơi để vừa giữ sức khỏe, vừa đạt hiệu quả học tập tốt nhất cho kỳ thi tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục