Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc

Trên cơ sở chính sách dân tộc của Nhà nước do Quốc hội quyết định, Chính phủ cụ thể hóa chính sách dân tộc.

Ngày 26/2, tại Hà Nội, Đảng đoàn Quốc hội tổ chức hội thảo “Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng thực hiện Khoản 5, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013.”

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, Trưởng ban soạn thảo Đề án chủ trì hội thảo.

Đề án được nghiên cứu để tham mưu giúp Quốc hội có điều kiện tổng kết, đánh giá tương đối toàn diện những chính sách dân tộc của Nhà nước do Quốc hội quyết định trong thời gian qua; tìm ra những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót để xây dựng và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mới liên quan đến chính sách dân tộc của Nhà nước để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng sát hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn về công tác dân tộc hiện nay.

Tại Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ "... quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước.” Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước thông qua các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở chính sách dân tộc của Nhà nước do Quốc hội quyết định, Chính phủ cụ thể hóa chính sách dân tộc. Nội dung này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với mục tiêu đánh giá, tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội về quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước; đánh giá, tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước mà còn là hoạt động nghiên cứu, triển khai quá trình cụ thể hóa các quy định về chính sách dân tộc của Nhà nước tại Hiến pháp năm 2013; thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi trên nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Dự thảo xác định các nhóm chính sách chung cần thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng về công tác dân tộc như xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cộng đồng; phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực; bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới; chăm lo phát triển mạng lưới y tế, bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số; công tác thông tin truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin vùng dân tộc thiểu số...

Mục tiêu mà Đề án hướng tới là thể chế hóa các quan điểm cơ bản, chủ yếu của Đảng về công tác dân tộc trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các dân tộc trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Quốc hội quyết định các chính sách trung và dài hạn, ưu tiên hỗ trợ giúp đỡ, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số, các vùng chậm phát triển khắc phục khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm an sinh, cải thiện từng bước nâng cao mức sống, vươn lên hội nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi về các chuyên đề “Những đặc điểm của các dân tộc thiểu số Việt Nam và sự ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta hiện nay”; “Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn”; “Thể chế hóa đường lối, quan điểm, chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong việc hỗ trợ, đầu tư cho các vùng dân tộc thiểu số chậm phát triển nhất và các vùng có những khó khăn đặc thù về điều kiện môi trường sống tự nhiên”.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục