Thế giới bước vào thời kỳ suy thoái tiêu dùng

Thêm một bằng chứng mới cho thấy thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái, đó là người dân Mỹ và Đức tiếp tục thắt chặt ''hầu bao'' trong tiêu dùng, trong khi các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng vẫn tiếp tục mất niềm tin thể hiện qua một ngày giao dịch đầy biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Thêm một bằng chứng mới cho thấy thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái, đó là người dân Mỹ và Đức tiếp tục thắt chặt ''hầu bao'' trong tiêu dùng, trong khi các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng vẫn tiếp tục mất niềm tin thể hiện qua một ngày giao dịch đầy biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Theo báo cáo ngày 31/10 của Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 9, mặc dù thu nhập tăng 0,2%, song người tiêu dùng nước này vẫn cắt giảm chi tiêu tới 0,3%, là mức cắt giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2004. Sự cắt giảm này không còn là xa lạ ở Mỹ trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định tiêu dùng (chiếm tới 2/3 hoạt động của nền kinh tế Mỹ) giảm cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang trong một cuộc suy thoái tiêu dùng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Số liệu chính thức cho thấy doanh thu bán lẻ ở nước này trong tháng Chín vừa qua đã giảm tới 2,3%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 31/10 đã chứng kiến một phiên giao dịch bất ngờ, thể hiện qua sự trái chiều tại các sàn Mỹ, châu Âu so với khu vực Mỹ Latinh và châu Á.

Sàn giao dịch New York, Mỹ và các sàn bên kia bờ Đại Tây Dương tiếp tục duy trì đà tăng điểm sau khi Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng một loạt ngân hàng trung ương các nước đồng loạt hạ lãi suất cơ bản.

Dẫn đầu là các chỉ số chủ chốt tại Phố Wall. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,57% và đóng cửa ở 9.325,01 điểm. Hai chỉ số chủ chốt khác là Nasdaq và Standard & Poor's 500 cũng tăng lần lượt 1,32% và 1,54%. Như vậy, trong tuần qua, Dow Jones đã tăng 11%, song nếu tính trung bình cả tháng 10, chỉ số này đã bị mất giá 14%.

Tại châu Âu, các sàn giao dịch lớn ở London (Anh), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) cũng ghi nhận những diễn biến tích cực. Kết thúc phiên giao dịch cuối ngày 31/10, các chỉ số hàng đầu như FTSE ở London (Anh) tăng 2,0% đạt 4.377,34 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 2,33% lên 3.487,07 điểm trong khi 2,44% (lên 4.987,97 điểm) là mức tăng của chỉ số DAX trên sàn Frankfurt.

Tuy nhiên, ngày qua lại là ngày giao dịch không mấy thuận lợi tại một số sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ Latinh, Canada và châu Á. Trước tiên, đó là sự mất giá của chỉ số chủ chốt Bovespa của Brazil với mức giảm 0,51%. Tiếp đó là chỉ số S&P/TSX của Canada, giảm 0,95%.

Mức giảm mạnh nhất, tới 5,0%, thuộc về các chỉ số trên sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản), bất chấp việc ngân hàng trung ương nước này vừa cắt giãm lãi suất. Sàn giao dịch Hongkong (Trung Quốc) cũng đóng cửa phiên giao dịch sau khi giảm 2,55%.

Sự tăng điểm trên thị trường chứng khoán thế giới trong tuần qua vẫn chưa đủ để bù đắp những thiệt hại trong cả một tháng giao dịch ảm đạm. Tính trung bình cả tháng, tổng giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán tại Đức, Anh, Mỹ và Pháp giảm từ 15-17%, trong khi mức giảm tại sàn Tokyo (Nhật Bản) là cao nhất, mất tới 25% giá trị.

Ngày 30/10 cũng khép lại một tháng đầy thăng trầm của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới với mức tăng khiêm tốn hơn 1 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12/2008 tăng 1,855 USD/thùng lên 67,81 USD/thùng. Tại London, giá dầu thô Brent biển Bắc giao cùng thời điểm tăng 1,61 USD/thùng, đạt 65,32 USD/thùng./
 
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục