Thế giới có 166 triệu người bị thiếu ăn triền miên

Theo LHQ, hiện có khoảng 166 triệu người ở 22 nước đang bị thiếu ăn triền miên - hậu quả của các cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài.
Các cơ quan về lương thực của Liên hợp quốc cho biết hiện có khoảng 166 triệu người tại 22 nước đang phải sống trong cảnh thiếu ăn triền miên và đây là hậu quả của các cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), chiến tranh, thiên tai và thể chế yếu kém là những tác nhân gây ra tình trạng thiếu đói tại các quốc gia trên, trong đó có Afghanistan, Haiti, Iraq, Somalia và Sudan.

Tại những nước này, tỷ lệ người thiếu ăn cao gấp ba lần so với các nước đang phát triển khác.

FAO và WFP cho rằng một nước bị coi là lâm vào cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài khi cuộc khủng hoảng đó kéo dài ít nhất trong tám năm và viện trợ nhân đạo chiếm tới hơn 10% tổng viện trợ nước ngoài cho nước này.

Theo các quan chức Liên hợp quốc, năng lượng tối thiểu trung bình một người phải nạp là 1.800 calo/ngày.

Báo cáo trên khuyến cáo để hỗ trợ những nước bị liệt vào danh sách "đen" này sớm thoát khỏi nạn đói, cộng đồng quốc tế cần điều chỉnh chính sách viện trợ theo hướng lâu dài hơn.

Cụ thể là chú trọng tới viện trợ lương thực có mục tiêu với trọng tâm không chỉ nhằm vào việc cứu trợ khẩn cấp mà còn phải đưa ra các những giải pháp dài hạn hơn như cung cấp các bữa ăn học đường, triển khai các chương trình đổi lương thực lấy công việc.

Ngoài ra, kích thích các thị trường cũng là một biện pháp dài hạn thông qua việc mua lương thực dành cho viện trợ từ các nhà cung cấp địa phương.

Trong danh sách các nước chịu khủng hoảng lương thực kéo dài của Liên hợp quốc còn có Angola, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Congo, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea, Ethiopia, Guinea, Cote d' Ivoire, Kenia, Liberia, Sierra Leone, Tajikistan, Uganda và Zimbabwe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục