Thể thao Việt Nam đứng trước nhiều thách thức tại SEA Games 29

Đoàn Thể thao Việt Nam luôn có vị trí trong tốp 3 đoàn thể thao hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, nhưng nhiệm vụ này sẽ trở nên khó khăn hơn tại kỳ SEA Games 29 tại Malaysia.
Thể thao Việt Nam đứng trước nhiều thách thức tại SEA Games 29 ảnh 1Vận động viên điền kinh Thanh Phúc vắng mặt ở SEA Games 29. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Trong 7 kỳ SEA Games liên tiếp tính từ năm 2003, đoàn Thể thao Việt Nam luôn có vị trí trong tốp 3 đoàn thể thao hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, nhờ vào thành tích thi đấu khá ổn định. Thế nhưng, tại kỳ Đại hội thể thao khu vực ở Maylaysia lần này, mục tiêu trở thành 1 trong 3 đoàn dẫn đầu không hề đơn giản.

Với một chương trình thi đấu gồm 39 môn thể thao với 405 bộ huy chương được trao tại SEA Games 29 (so với 38 môn và 402 bộ huy chương tại SEA Games 28) những tưởng đoàn Thể thao Việt Nam sẽ có một kỳ đại hội “dễ thở” với mục tiêu đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng huy chương chung cuộc.

Tuy nhiên trên thực tế, SEA Games 29 lại trở thành kỳ đại hội đặt ra nhiều thách thức nhất với Thể thao Việt Nam khi hàng loạt nội dung có thể giành huy chương vàng hoặc từng giành được huy chương vàng ở các kỳ đại hội trước bị cắt giảm. 

[SEA Games 29: Đẩy mạnh xã hội hóa các môn thể thao đỉnh cao]

Dựa trên những con số thống kê và số lượng huy chương ở từng môn trong điều lệ thi đấu ở SEA Games 29 mới tính “sơ sơ” trên giấy, Thể thao Việt Nam đã mất ít nhất 20 huy chương vàng từng giành được nếu so sánh với SEA Games 28.

Các môn bị cắt giảm như Đấu kiếm (từ 14 nội dung xuống 6 nội dung), Bắn súng (từ 26 xuống 14), Boxing (chỉ có 6 hạng cân nam so với 11 hạng cân nam, nữ), Wushu (từ 20 xuống 17 nội dung), Thể dục dụng cụ (14 xuống 12), không tổ chức thi đấu Rowing (18 bộ huy chương), Canoeing (17 bộ huy chương)...

Vậy nên, chỉ cần tính toán một cách cơ học khi so sánh với SEA Games 28, Thể thao Việt Nam đối diện với nguy cơ “mất trắng” hơn 20 huy chương vàng trong tổng số 73 huy chương vàng mà các tuyển thủ từng giành được tại Singapore 2 năm trước đây.

Chưa nói đến chuyện Thể thao Việt Nam sẽ tổn thất thêm ít nhất từ 3-5 huy chương vàng do sự vắng mặt của các nhà vô địch SEA Games ở môn điền kinh như Lê Trọng Hinh (200m nam), Đỗ Thị Thảo (2 huy chương vàng 800m, 1500m nữ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ nữ) và nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật không tổ chức ở SEA Games 29 do có quá ít quốc gia tham dự.

Trong suốt thời gian vừa qua, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn từng nhiều lần đề cập tới cột mốc 65 huy chương vàng bởi nếu giành được đủ số huy chương vàng này Thể thao Việt Nam mới mong có cơ hội lọt vào Top 3 trên bảng tổng sắp huy chương.

Nhưng trên thực tế, đây là “con số mơ ước” và để đạt được nó cần sự nỗ lực rất lớn của các tuyển thủ và ngoài việc phát huy tối đa khả năng, có tâm lý ổn định, thậm chí còn cần tới cả sự may mắn.

Bởi theo tính toán, với 470 vận động viên, tham gia thi đấu ở 32/38 môn trong chương trình thi đấu, số lượng huy chương vàng mà đoàn Thể thao Việt Nam có thể giành được ở mức “chắc chắn” cũng nằm trong khoảng dao động rất lớn và có thể ở mức xấp xỉ 60 huy chương vàng.

Như vậy, để hoàn thành được nhiệm vụ 65 huy chương vàng, buộc phải cần tới khả năng gây bất ngờ ở các môn mà khả năng tranh chấp giữa tuyển thủ của đoàn Thể thao Việt Nam với các đối thủ là 50/50.

Bên cạnh đó, với dự báo chủ nhà Malaysia và Thái Lan sẽ chiếm 2 vị trí dẫn đầu với sự chênh lệch rất lớn về số lượng huy chương (có thể lên tới 20 huy chương vàng), Thể thao Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt với Indonesia và Singapore trong cuộc đua tới vị trí còn lại trong tốp 3./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục