Thể thao Việt Nam: Sức bật từ phong trào thể dục thể thao quần chúng

Các hoạt động Thể dục Thể thao phong trào đã và đang được ngành Thể thao phát triển đồng bộ và sâu rộng, nhằm hưởng ứng tinh thần của “Ngày Thể thao Việt Nam.”

Thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ giúp gìn giữ bản sắc và văn hóa dân tộc, mà còn tạo động lực thúc đẩy thể thao Việt Nam vươn lên tầm quốc tế. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ giúp gìn giữ bản sắc và văn hóa dân tộc, mà còn tạo động lực thúc đẩy thể thao Việt Nam vươn lên tầm quốc tế. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 27/3 hằng năm được chọn là “Ngày Thể thao Việt Nam” nhằm khuyến khích mọi người tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao lành mạnh.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại," những năm qua, Cục Thể dục Thể thao đã và đang tập trung phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng để từ đó tìm kiếm những nhân tố mới cho thể thao thành tích cao, trong đó đặc biệt đi vào chiều sâu và thực chất ở các nội dung thể thao học đường và thể thao cho toàn dân.

Lấy thể thao trường học làm nòng cốt

Năm 2023 đánh dấu "mốc đặc biệt" của phong trào thể dục thể thao dành cho học sinh, sinh viên, khi hàng loạt giải đấu tạo được sức hút nhờ tính cạnh tranh cao và diễn ra trong sự hưởng ứng cuồng nhiệt của các cổ động viên.

Có thể kể đến như Giải Bóng rổ Sinh viên Toàn quốc (NUC) 2023 tại Hà Nội; Giải Bóng chuyền Sinh viên Toàn quốc năm 2023 tại Hà Nội; Giải chạy dành cho học sinh, sinh viên S-Race 2023; Giải Thể thao Sinh viên Việt Nam (Vietnam Universities Games -VUG) với 6 môn thi đấu gồm Bóng đá Futsal, Nhảy đối kháng, Chạy bộ, Bóng rổ 3x3, Thể thao Điện tử và Bóng đá 11 người...

"Chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục để xây dựng các chương trình về giáo dục thể chất cho học sinh, lồng ghép các nội dung để phát triển con người toàn diện - đặc biệt là các kỹ năng sống. Ngành Thể thao thông qua việc này sẽ xây dựng hệ thống thi đấu, xây dựng các kênh tuyển chọn tài năng thể thao từ các cấp học," Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt khẳng định.

vnp_esport_06.jpg
Các giải thể thao dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên ngày càng được chú trọng về hình thức tổ chức và chất lượng thi đấu. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao của sinh viên, học sinh ở các trường Đại học, trung học và chuyên nghiệp được thực hiện đồng bộ với hai nội dung: Giáo dục thể chất nội khóa theo chương trình quy định và hoạt động thể thao của sinh viên. Trong số đó, nhiều môn thể thao nội khóa như Điền kinh, Thể dục cùng với tiêu chuẩn rèn luyện thân thể là chương trình bắt buộc, dần trở thành nền nếp trong các trường đại học.

Hướng đến năm 2024, các giải đấu thể thao dành cho sinh viên được kỳ vọng sẽ tiếp tục "nở rộ" và đón nhận sự cổ vũ mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục tiêu này, công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển thể chất, bồi dưỡng kỹ năng vận động dưới các dạng hoạt động, trò chơi vận động, thể dục cơ bản đã và đang được triển khai sâu rộng trong các nhà trường, bằng cách phát triển các môn thể thao được đông đảo học sinh yêu thích và nâng cao điều kiện về sân bãi, giáo viên...

Đặc biệt, nhiều giải đấu trẻ ở các môn thể thao như Bóng rổ, Bóng chuyền, Thể thao Điện tử... được tổ chức với tinh thần rèn luyện thể chất song cũng không thiếu tính ganh đua thành tích, đạt chất lượng cao về chuyên môn.

"Các giải đấu được tổ chức rộng khắp nhằm thúc đẩy phong trào thể dục thể thao tại các trường học, tạo sân chơi để các em thể hiện đam mê, lan tỏa tình yêu với những môn thể thao yêu thích. Ban tổ chức kỳ vọng ở các Giải đấu sẽ xuất hiện nhiều vận động viên tài năng, có thể phát triển để đóng góp cho nền Thể thao nước nhà," ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể Chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Lan tỏa phong trào thể dục thể thao toàn dân

Song song với nhiệm vụ phát triển thể dục thể thao học đường, các phong trào thể dục thể thao hướng tới toàn dân cũng là một mục tiêu chiến lược được Cục Thể dục Thể thao phối hợp chặt chẽ với các cấp, các tổ chức, địa phương tổ chức và thực hiện nhằm tạo sự gắn kết và hỗ trợ trong xã hội.

Những năm qua, phong trào thể dục thể thao tại các địa phương trên cả nước ngày càng lớn mạnh và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Chưa bao giờ mà nhiều sự kiện thể thao phong trào được tổ chức với quy mô lớn lại "nở rộ" như hiện nay như chạy việt dã, chạy địa hình, đua xe đạp, ba môn phối hợp, bơi lội, yoga...., thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

Theo thống kê của Cục Thể dục Thể thao, trong năm 2023, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 36,7%; số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 27,7% tổng số hộ.

z5130475463555_0b129ba92c7033f1d0bb575efa69d876.jpg
Nhiều trung tâm huấn luyện, đào tạo thể thao với chất lượng tốt được thành lập, góp phần lan tỏa phong trào Thể dục Thể thao trong toàn dân. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Đánh giá về hiệu quả của công tác tổ chức và thực hiện phong trào thể dục thể thao trong cộng đồng tính đến hết năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho rằng khoảng cách giữa thể thao quần chúng, thể thao phong trào với thể thao thành tích cao đã được thu hẹp đáng kể đồng thời khẳng định phát triển thể thao phong trào cũng là nền tảng cho thể thao thành tích cao.

"Đối với thể thao quần chúng, Cục Thể dục Thể thao đã đề ra những chiến lược, những bài tập và các lớp tập huấn để toàn dân đến với các hoạt động thể thao nhiều hơn, nâng cao chất lượng tập luyện thể dục thể thao cũng như cải thiện sức khỏe để phục vụ cho lao động sản xuất, hướng tới phát triển kinh tế thể thao, công nghiệp thể thao... để chúng ta có nguồn thu, tăng thu cho nhiệm vụ phát triển thể thao giải trí, du lịch thể thao... và đóng góp chung vào GDP của đất nước," Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Nhằm nâng cao nhận thức về phát triển thể dục thể thao toàn dân, Ngành Thể dục Thể thao cũng đã đề ra nhiệm vụ vừa phải tiếp tục chỉ đạo xây dựng các đơn vị địa phương có phong trào thể dục thể thao mạnh đăng ký tiên tiến thể dục thể thao, vừa phát động phong trào rèn luyện thân thể để từng bước xóa các "điểm trắng" về thể dục thể thao thông qua các sự kiện như Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội Thể dục Thể thao các cấp..., tạo nên khí thế mới về rèn luyện thân thể trong cộng đồng.

Bên cạnh sự nỗ lực của Ngành Thể thao, nhiều câu lạc bộ, lớp học, trung tâm huấn luyện... của các cá nhân, tổ chức xã hội cũng đã “mọc lên như nấm” với đa dạng các hình thức tập luyện thể dục thể thao đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị như: Chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini... đã và đang thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh và cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Cũng từ các giải đấu phong trào, cấp xã, huyện, thị trấn... nhiều tài năng thể thao đã được phát hiện, tuyển chọn và được đáp ứng các điều kiện hỗ trợ để thi đấu ở những cấp độ lớn hơn, đóng góp vào phát triển chung của nền thể thao nước nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục