Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của Đức trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ là một dự án kinh tế gây nhiều tranh cãi mà đã trở thành một cuộc xung đột chính trị lớn giữa Mỹ và Nga, trong khi chính phủ Đức lại đang ở thế khó khi bị kẹt.
Một động cơ trong hệ thống đường ống dẫn khí Dự án Dòng chảy phương Bắc ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một động cơ trong hệ thống đường ống dẫn khí Dự án Dòng chảy phương Bắc ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong những ngày gần đây, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) trở thành tâm điểm đưa tin của các hãng truyền thông Đức như Tagesschau, Deutsche Welle, Handelsblatt…

Theo đó, các hãng này đều có chung nhận định rằng Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ là một dự án kinh tế gây nhiều tranh cãi, mà giờ đây đã trở thành một cuộc xung đột chính trị lớn giữa Mỹ và Nga, trong khi chính phủ Đức lại đang ở thế khó khi bị kẹt giữa hai bên.

Phớt lờ đe dọa trừng phạt từ Mỹ

Sau gần một năm đình chỉ việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vì lệnh trừng phạt đầu tiên của Mỹ, công việc lắp đặt đường ống dài 1.230km trên biển Baltic của Đức đã được tiếp tục vào đầu tháng 12/2020.

Tại vùng biển Đan Mạch, việc xây dựng đường ống đã được cho phép tiếp tục tiến hành kể từ ngày 15/1/2021.

Ngày 18/1/2021, một trong những hành động cuối cùng của chính quyền Trump, trước khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, là áp đặt các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với tàu Fortuna và chủ sở hữu của con tàu này là công ty KVT-RUS của Nga.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ nhắm mục tiêu vào một công ty theo lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Nhiều công ty ban đầu tham gia vào việc xây dựng đường ống này đã ngừng hoạt động.

Ngay sau đó, Bộ Kinh tế Đức ngày 19/1 đã lên tiếng xác nhận về lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bộ này bày tỏ sự tiếc nuối bởi đường ống trên nhằm tăng đáng kể tiềm năng cung cấp khí đốt của Nga cho Đức, nhưng đang làm gia tăng căng thẳng cả trong Liên minh châu Âu (EU) và quan hệ giữa Đức với Mỹ.

Trong một phát biểu sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Joe Biden nói rằng ông không chấp nhận dự án hiện tại và muốn đàm phán với các bên liên quan.

Tuy nhiên, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt mới từ Mỹ, tàu Fortuna của Nga hiện đã tiếp tục hoạt động lắp đặt đường ống dẫn trên biển Baltic thuộc vùng biển của Đan Mạch.

Theo dữ liệu từ các dịch vụ định vị Vesselfinder và Marine Traffic, tàu Fortuna cách đảo Bornholm của Đan Mạch gần 28km.

Một số tàu Nga gần đó hỗ trợ cho Fortuna. Theo công ty Nord Stream 2 AG - công ty điều hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, các công việc chuẩn bị và thử nghiệm hiện đang được thực hiện ở khu vực biển này.

Chỉ còn 148km nữa là đường ống sẽ hoàn thành và khí đốt của Nga sẽ chảy đến Tây Âu qua đáy biển Baltic.

Thế khó của Đức trong quan hệ với Nga và Mỹ

Chính phủ liên bang Đức vẫn đứng sau dự án Dòng chảy phương Bắc 2, được tài trợ chủ yếu bởi Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom, nhằm tăng đáng kể tiềm năng cung cấp khí đốt của Nga cho Đức.

Tại Đức đã nổ ra những tranh cãi về việc tiếp tục hay dừng dự án.

[Đức khẳng định cần tiếp tục dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Trong khi Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommen (nơi đầu ra của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2) lên tiếng bảo vệ dự án vì lợi ích kinh tế, đảng Xanh lại yêu cầu đóng băng ngay việc xây dựng đường ống vì lý do môi trường và vì đường ống này đi ngược lại lợi ích địa chiến lược của người châu Âu, đặc biệt là Ukraine, chống lại lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, và coi đây là dự án nguy hiểm.

Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của Đức trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Trung tâm kết nối các đường ống dẫn khí đốt của Dự án Dòng chảy phương Bắc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) cũng kêu gọi tạm hoãn việc xây dựng đường ống do các cuộc biểu tình gần đây tại Nga.

Bên cạnh đó, câu hỏi gây tranh cãi trong suốt thời gian qua là liệu đường ống này có thực sự cần thiết hay không?

Có ý kiến cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 "là không cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở Đức và châu Âu”, ngoài ra, dự án này còn ảnh hưởng tới các mục tiêu trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Chính phủ và các doanh nghiệp Đức cũng đã nhiều lần mâu thuẫn với nhau trong vấn đề này. Theo quan điểm của chính phủ Đức, Dòng chảy phương Bắc 2 dưới đáy biển Baltic là dự án có giá trị kinh tế.

Trong cuộc xung đột lớn giữa Mỹ và Nga, chính phủ Đức dường như đang bị mắc kẹt. Nếu tiếp tục xây dựng đường ống, Đức sẽ gặp rắc rối với chính quyền mới của Mỹ, nhưng nếu việc xây dựng bị dừng lại sẽ gây ra bất đồng với Nga về một đường ống dẫn khí đốt mà lâu nay Berlin vẫn mô tả là “dự án kinh tế thuần túy”.

Mỹ muốn ngăn chặn đường ống dẫn từ Nga để bán khí đốt cho Đức.

Gần đây, Mỹ tiếp tục gây sức ép lên các bên tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tháng 1/2021, Zurich Insurance Group - công ty bảo hiểm của Thụy Sỹ - đã phải từ bỏ dự án này do đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt.

Trước đó, "gã khổng lồ" trong lĩnh vực xây dựng Bilfinger dường như cũng đã rút khỏi dự án.

Đối với Nga, Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ đơn thuần là một dự án kinh tế.

Ngay từ đầu, Nga đã lên kế hoạch cho mục tiêu này. Xét từ quan điểm địa chiến lược, việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 là nhằm tránh cho đường ống phải trung chuyển qua Ukraine.

Về phía châu Âu, vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã ra một nghị quyết kêu gọi tạm dừng việc xây dựng dự án đường ống Đức-Nga nhằm trừng phạt Nga trong vụ Moskva bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny chuyên chỉ trích Điện Kremlin sau khi ông này trở về Nga.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu có những lời kêu gọi ngừng hoàn toàn dự án liên quan đến tình hình chính trị ở Nga, chính phủ Đức cũng sẽ viện dẫn những lập luận không chỉ đơn thuần về kinh tế như Dòng chảy phương Bắc 2 cũng cần thiết để tiếp tục đàm phán với Moskva.

Kết cục cuối cùng sẽ liên quan tới vấn đề chính trị, và do có thể có yêu cầu bồi thường thiệt hại, nên nếu dừng dự án sẽ là một thảm họa tài chính đối với chính phủ Đức.

Trước hết, cũng giống như mong muốn của Moskva, Thủ tướng Đức muốn can ngăn chính quyền Biden không thực hiện các lệnh trừng phạt.

Mặt khác, quan điểm cơ bản của bà Merkel đối với Dòng chảy phương Bắc 2 dường như không thay đổi.

Theo giới phân tích, ngay cả dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, Đức cũng phải chuẩn bị đối phó với những vấn đề rắc rối liên quan tới đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo phát ngôn viên mới của Nhà Trắng Jen Psaki, Tổng thống Joe Biden tin rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một thỏa thuận tồi đối với châu Âu.

Các biện pháp của Washington chống lại dự án này sẽ được chính quyền mới xem xét và Tổng thống Biden sẽ tham vấn với các đối tác châu Âu về vấn đề nói trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục