Thêm hai ngân hàng Mỹ phải ngừng hoạt động

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) thông báo Ngân hàng Cape Fear Bank có trụ sở tại bang South Carolina và Ngân hàng New Frontier có trụ sở tại bang California đã phải ngừng hoạt động từ ngày 10/4.

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) thông báo Ngân hàng Cape Fear Bank có trụ sở tại bang South Carolina và Ngân hàng New Frontier có trụ sở tại bang California đã phải ngừng hoạt động từ ngày 10/4.

Như vậy, từ đầu năm đến nay đã có tới 23 ngân hàng phải đóng cửa, ngừng hoạt động do làm ăn thua lỗ.

Theo thông báo của FDIC, đến ngày 31/3, ngân hàng Cape Fear Bank sở hữu tài sản trị giá 492 triệu USD, tổng số tiền gửi là 403 triệu USD và Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC sẽ phải trả gần 131 triệu USD tiền bảo hiểm cho ngân hàng này.

Ngân hàng First Federal Savings and Loan Association of Charleston, cũng có trụ sở tại bang South Carolina, sẽ mua lại quyền quản lý đối với tất cả các khoản tiền gửi tại ngân hàng Cape Fear Bank.

Cũng theo FDIC, tính đến cuối tháng 3, Ngân hàng New Frontier có tổng tài sản trị giá 2 tỷ USD và tổng tiền gửi trị giá khoảng 1,5 tỷ USD. Tiền bảo hiểm do Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC cho ngân hàng New Frontier lên tới 670 triệu USD.

Tháng trước, bà Sheila Bair, Chủ tịch của FDIC, cho biết trong năm 2008 có 25 ngân hàng phải đóng cửa và trong vòng năm năm tới, FDIC có thể phải chi tới 65 tỷ USD tiền bảo hiểm cho các ngân hàng phải ngừng hoạt động. FDIC vẫn tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm toàn phần đối với các tài khoản cá nhân có giá trị tối đa là 250.000 USD cho đến hết năm nay.

Các nhà phân tích kinh tế của Mỹ cho biết việc ngừng hoạt động của các ngân hàng tại các bang trong năm nay diễn ra gần như hàng tuần là do các ngân hàng này vẫn tiếp tục phải chịu sức ép lớn của tình hình suy thoái kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao làm cho nhiều khách hàng của ngành ngân hàng không có khả năng trả nợ, dẫn tới tỷ lệ trả nợ không đúng hạn cao và do đó yêu cầu tín dụng trở nên chặt chẽ hơn do các ngân hàng sợ cho khách hàng có nhiều rủi ro vay tiền.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cảnh giác với xu hướng ngày càng tăng của các hoạt động điều chỉnh xuống theo giá thị trường do giá nhà hạ một cách nhanh chóng trong thời gian qua, việc này dẫn tới tài sản có thế chấp trở nên gần như không còn giá trị.

Cũng vào ngày 10/4, Tổng thống Barack Obama đã cùng các chuyên gia kinh tế cao cấp thảo luận quy định gọi là "phép thử stress" để xác định các ngân hàng cần bao nhiêu vốn để tồn tại trong điều kiện kinh tế yếu kém hơn hiện nay.

Thị trường tài chính Phố Wall hiện đang nóng lòng chờ đợi kết quả của phép thử này để biết ngân hàng nào "có sức khỏe tốt" và ngân hàng nào có thể cần thêm sự trợ giúp của người đóng thuế. Khi "phép thử stress" hoàn thành và nhu cầu vốn được xác định, các ngân hàng sẽ có 6 tháng để gọi vốn cần thiết từ thị trường tư nhân hoặc có thể nhận tiền từ các quỹ của chính phủ.

Các quan chức vẫn đang bàn luận xem công bố kết quả của "phép thử stress" dưới hinh thức nào để tránh không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính. Dự kiến, kết quả này sẽ được Bộ Tài chính công bố sau ngày 24/4 - ngày các ngân hàng phải hoàn thành công bố hoạt động thu - chi trong quý I năm nay.

Để cứu ngành ngân hàng, Chính phủ Mỹ cũng có kế hoạch sử dụng các vồn đầu tư của chính phủ và tư nhân để mua lại tài sản "độc hại" của các ngân hàng và "làm sạch" bảng cân đối tài khoản của các ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục