Sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối tuần qua gây bất ngờ với việc nới lỏng mạnh tay hơn nữa chính sách tiền tệ, các thị trường toàn cầu trong tuần này tiếp tục “ngóng chờ” kết quả cuộc họp chính sách của 5 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Theo nhận định của giới phân tích tại Anh, hầu hết các ngân hàng trung ương trong số này nhìn chung sẽ “án binh bất động”, tức là chưa đưa ra các thay đổi mới nào về lãi suất tại các cuộc họp trong tuần này.
Ngày 15/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là ngân hàng đầu tiên trong số 5 ngân hàng trung ương - gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB), Ngân hàng Trung ương Na Uy (Norges Bank) và BoJ - công bố quyết định về lãi suất trong tuần này, trong khi cuộc họp của Fed với tuyên bố ra ngày 16/3 được đánh giá là cuộc họp quan trọng và thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Các chuyên gia kinh tế tại Anh nhận định rằng tại cuộc họp hai ngày lần này, BoJ có lẽ sẽ chưa đưa ra bất kỳ thay đổi nào trong chính sách lãi suất, do các thị trường tiền tệ nước này vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh kể từ sau khi BoJ “gây sốc” với quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống ngưỡng âm tại cuộc họp ngày 29/1 vừa qua.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát sẽ là hai điểm trọng tâm được đưa ra cân nhắc tại cuộc họp chính sách của Fed diễn ra trong hai ngày 15-16/3.
Giới phân tích dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chưa vội nâng lãi suất tại cuộc họp lần này. Theo các nhà phân tích thuộc ngân hàng HSBC (Anh), lãi suất cơ bản của Fed đến cuối năm nay sẽ ở mức 1,125% thay vì 1,375% theo lộ trình nâng lãi suất được đưa ra tại cuộc họp chính sách cuối tháng 12/2015.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự đoán cũng sẽ chưa tung ra chính sách mới nào tại cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 17/3 tới đây.
Mặc dù số liệu công bố gần đây cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này có sự cải thiện, song nhiều khả năng chín thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE sẽ bỏ phiếu cho việc giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%.
Trong khi đó, SNB cũng có thể sẽ giữ nguyên lãi suất, bởi lãi suất cơ bản ở nước này hiện đã ở mức thấp, hơn nữa tỷ giá đồng franc Thụy Sỹ phản ứng cầm chừng sau khi ECB quyết định hạ lãi suất tiền gửi ngân hàng từ -0,3% xuống -0,4%, đồng thời tăng quy mô chương trình mua trái phiếu.
Trong số 5 ngân hàng trung ương tiến hành cuộc họp chính sách trong tuần này, có lẽ chỉ có Norges Bank là có thể sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp vào ngày 17/3, trong bối cảnh nền kinh tế nước này tăng trưởng đáng thất vọng trong năm 2015 và ít có dấu hiệu phục hồi trong năm 2016, trong khi lạm phát ở mức tương đối cao 3% trong tháng 2/2016./.