Những thông tin tích cực của nền kinh tế dường như bị lu mờ bởi tâm lý đầu tư theo "đám đông" của các nhà đầu tư chứng khoán.
Sau hơn một tuần tăng điểm xung quanh kỳ nghỉ lễ 2/9, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp có những phiên giảm điểm mạnh, đã có lúc chỉ số VN-Index tiến sát về ngưỡng hỗ trợ 440 điểm. Nhiều nhận định cho rằng, những thông tin không tích cực của nền kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, cuối tuần qua, thị trường lại bất ngờ phục hồi mạnh mẽ trong khi chưa có “nút thắt” nào được gỡ. Vậy tin xấu có thật sự ảnh hưởng đến sự đi xuống của thị trường? Chủ yếu do tâm lý Theo bà Đặng Lan Hương, Trưởng nhóm Phân tích Chứng khoán Âu Việt (AVS), trong thời gian ngắn, nhà đầu tư (nhà đầu tư) phải tiếp nhận nhiều thông tin không tích cực khắp nơi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này khiến họ "bội thực" và hoang mang: Có thật sự những thông tin trên tác động đến sự đi xuống của thị trường? Các tin này có thể kể đến như tình hình nợ công của Việt Nam đang ở mức cao; giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm, USD cũng đang ở ngưỡng cao nhất; khả năng tiếp tục phá giá của đồng nội tệ; tình hình lạm phát tháng 9 đang quay trở lại (CPI dự báo 0,9-1%)… Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực của Thông tư 13 được lặp đi lặp lại bất chấp những nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cùng rà soát sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Báo cáo của HSBC cũng tỏ ý “chê” giá chứng khoán Việt Nam còn hơi cao. Thậm chí, có thông tin đưa ra quá xa so với sự thật như “lãi suất qua đêm đã vượt trên 8%/năm sau khoảng ba tháng ổn định phổ biến dưới 7%/năm”, trong khi trên thực tế, lãi suất bình quân chính thức chỉ là 6,93%/năm. Xem ra, từ thông tin đến hành động đều ủng hộ cho một đợt suy giảm mạnh của thị trường, làm lu mờ những bức tranh hồi phục của nền kinh tế đang ngày càng rõ nét. Cụ thể như thông tin GDP của Việt Nam dự kiến tăng 6,7% năm nay, cao hơn kế hoạch đề ra (6,5%); lạm phát tháng 9 nếu có cao thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát và dự kiến lạm phát cả năm vẫn là một con số. Việc thực hiện Thông tư 13 là một bước đi quan trọng, với ý nghĩa lớn là giảm rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đồng thời từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Vì thế, nếu có khó khăn trước mắt thì cũng chỉ là tạm thời. Ngoài ra, còn có các thông tin tích cực như tình hình nhập siêu tháng 8 đã giảm so với tháng trước đó, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 13,7% so với cùng kỳ 2009; Việt Nam tiến thêm 16 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu… Thế nhưng, hầu hết các thông tin tích cực này lại bị coi nhẹ. Điều này cho thấy, việc sụt giảm của thị trường chủ yếu do bị ảnh hưởng tâm lý đầu tư theo "đám đông." Nhà đầu tư nên thận trọng Tuy nhiên, kể từ phiên giảm điểm “bất thường” thứ 6 ngày 10/9, bất ngờ phiên giao dịch thứ 6 ngày 17/9, chỉ số VN-Index đã tăng 8,06 điểm, lên mức 457,58 điểm. HNX cũng không nằm ngoài xu hướng đi lên của thị trường. Điều này khiến nhiều công ty chứng khoán cũng như nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng trong sự bi quan chờ chỉ số VN-Index về đáy thấp hơn đáy 423 điểm lập ngày 25/8/2010. Công ty chứng khoán Đại Việt (DVSC) cho rằng, có thể thông tin xấu quá nhiều và nó đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu, đồng thời gây chán nản cho nhà đầu tư trong một thời gian dài. Điều mà nhà đầu tư mong đợi trong thời gian tới là thông tin tích cực hơn. Chính vì thế, sự tăng điểm cuối tuần qua là sự kỳ vọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Hiện tại, các ngân hàng thương mại vẫn trong tình trạng khát vốn và lãi suất cho vay vẫn đứng ở mức cao, không chỉ lãi suất VND tăng mà cả lãi suất huy động USD lẫn vàng đều tăng lên. Tuy nhiên, xét trên đồ thị giá, đường giá vẫn nằm dưới đường kênh xu thế giảm giá trung hạn, nếu đường xu thế này bị phá vỡ trong tuần này thì nhiều khả năng thị trường sẽ phá vỡ ngưỡng 465 điểm và vươn lên đỉnh cao mới. Như vậy, có thể nói những phiên giao dịch đầu tuần tới sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định xu hướng thị trường. DVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ thái độ thận trọng, chỉ nên giải ngân ở mức vừa phải nếu còn nhiều tiền mặt. Nói chung, tỷ lệ cổ phiếu và tiền mặt trong tài khoản của nhà đầu tư lúc này nên duy trì ở mức 5:5./.