Thị trường chuyển sang chơi tiết tấu “trầm”

"Trượt dốc” - đó lời than thở của không ít nhà đầu tư trước khi rời khỏi sàn giao dịch phiên chốt tuần vào ngày 19/6. Tuần qua, thị trường đánh dấu sự giảm điểm sau ba tháng tăng trưởng liên tiếp, VN-Index để tuột mất 34,37 điểm (giảm tương ứng 13,6%) quay về mốc 475,22 điểm.

"Trượt dốc” - đó lời than thở của không ít nhà đầu tư trước khi rời khỏi sàn giao dịch phiên chốt tuần vào ngày 19/6. Tuần qua, thị trường đánh dấu sự giảm điểm sau ba tháng tăng trưởng liên tiếp, VN-Index để tuột mất  34,37 điểm (giảm tương ứng 13,6%) quay về mốc 475,22 điểm.

Tương tự, sàn Hà Nội (HaSTC) cũng có một tuần giao dịch không mấy suôn sẻ, HaSTC-Index chính thức giảm 15,06 điểm/tuần, đóng cửa tại mốc 167,86 điểm.

Quá khó để nhận biết xu thế

Mặc dù khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên hai sàn đã giảm so với tuần trước đó, song nhìn chung vẫn đạt ở mức khá cao.

Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) có tổng khối lượng giao dịch thành công là 298,18 triệu chứng khoán/tuần, giá trị đạt 11.061,21 tỷ đồng (các con số tương ứng của tuần trước đó là 343,29 triệu chứng khoán/tuần, tổng giá trị là 12.924,21 tỷ đồng).

Tính trung bình có 59,6 triệu chứng khoán trao đổi trong mỗi phiên, giá trị vẫn trên 2.212 tỷ đồng/phiên.

Tổng khối lượng cổ phiếu được trao tay tại HaSTC là 149,54 triệu đơn vị, giá trị tương ứng trên 5.263,23 tỷ đồng (so với tuần trước đó là 210,79 triệu đơn vị và 8,108,67 tỷ đồng). Khối lượng giao dịch bình quân tại đây là 29,9 triệu cổ phiếu, giá trị trên 1.052 tỷ đồng/phiên.

Trong khi xu thế thoát ra, tìm kiếm sự an toàn đang lan khắp thị trường, thì thực tế cũng đang chỉ ra rằng có một dòng tiền lớn vẫn tiếp tục lầm lũi, kiên trì bám trụ tại thị trường và tranh thủ chớp những cơ hội giá rẻ là vào hàng.

Cảm xúc đang chế ngự quyết định của giới đầu tư, có lẽ tuần tới những yếu tố ngẫu nhiên sẽ thay thế vị trí của những nhà tạo lập thị trường trong việc dẫn dắt xu thế chung.

Các diễn biến bất thường xảy ra trên thị trường trong tuần đang gây nhiễu, khiến cho giới chuyên gia phân tích trở nên dè dặt hơn trong các báo cáo nhận định của mình.

Trong báo cáo tổng kết giao dịch ngày 19/06, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia đã thành thật mà ví von rằng chứng khoán Việt Nam trải qua một “tuần mất mát”. Các đốm sáng FPT, SJS, NTL, PVI… đã không thể giúp các nhà đầu tư bớt lo âu khi mà những "động cơ" chính SSI, PVF, STB, ACB, KLS… đều "chết máy".

Theo họ, trên thị trường đang có rất nhiều khoản lợi nhuận đã không kịp hiện thực hóa cũng như nhiều khoản lỗ mới đang phát sinh. Hiện, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự tươi sáng trong tuần tới.

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect chỉ ra xu thế rủi ro và lợi nhuận trong ngắn hạn của thị trường hiện là 50-50. Trong thời gian này, bên mua hay bên bán thắng thế sẽ phụ thuộc nhiều từ những diễn biến tin tức.

“VN-Index đang ở trong thời điểm nhạy cảm, cần thêm thời gian để xác định xu thế thực của thị trường.” - Công ty chứng khoán FPT nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích độc lập tại Công ty Tư vấn và Đầu tư S&D e ngại xu hướng trung hạn đang yếu dần đi. Tuy nhiên, theo quan điểm phân tích kỹ thuật thì chưa thể khẳng định xu hướng tăng đã hết, cần phải kiểm chứng khu vực giao dịch 455 điểm – 487 điểm trong tuần sau để nhận định xu hướng sắp tới.

“Thận trọng” - điệp khúc truyền đi trên thị trường

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho rằng, thị trường quốc tế như Mỹ cũng đang xuất hiện những dấu hiệu “nhạy cảm” và chứng khoán Việt Nam đã có một giai đoạn tăng nóng, giá nhiều cổ phiếu đã lên rất cao, số lượng người "muốn đi" đang nhiều lên.

Tuy nhiên, bất kỳ thời điểm nào của thị trường cũng có những mã cổ phiếu chứa đựng tính hấp dẫn. Vì vậy, việc “thận trọng” xem xét lại danh mục và theo dõi sát diễn biến của thị trường là những điều nên làm trong tình hình hiện nay.

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Đại Tây Dương cho rằng không nên quá bi quan về thị trường. Tuần tới một số mã mới sẽ lên sàn, cùng với tin hoãn thuế thu nhập đầu tư chứng khoán hết năm 2009 sẽ là những động lực tích cực hỗ trợ thị trường.

“Trong thời điểm này, không thể đưa ra các quyết định đầu tư theo phong trào mà các nhà đầu tư cần phải  thận trọng nghiên cứu những thông tin liên quan tới các mã cổ phiếu, như xu thế ngành nghề, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm hay thông tin chia lãi của các mã cổ phiếu khi đưa ra các quyết định đầu tư” - ông Quang nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục