Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thị trường đông dược đang có những diễn biến phức tạp. Ngoài việc phải đối mặt với nguy cơ hàng nội địa kém chất lượng, người tiêu dùng còn phải sử dụng hàng đông dược nhập lậu không thể kiểm tra được chất lượng.
Hàng trong nước: Báo động đỏ!
Thời gian qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh đông dược và thuốc y học cổ truyền vi phạm tiêu chuẩn dược Việt Nam, như kho chứa dược liệu không đạt điều kiện vệ sinh, độ ẩm nên dễ mốc, biến chất; cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; không có số đăng ký lưu hành; không thực hiện niêm yết giá thuốc theo qui định.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường quận Bình Thạnh cho biết quá trình kiểm tra một số nhà thuốc, cửa hàng đông dược trên địa bàn đã phát hiện nhiều loại đông dược bày bán nhưng không đăng ký chất lượng, nguồn gốc trôi nổi. Nghiêm trọng hơn, có nơi giấy phép kinh doanh chỉ đăng ký bán đông dược nhưng nhà thuốc lại tự mua dược liệu trôi nổi, đóng gói thành phẩm bán ra thị trường.
Theo ông Vị, đa số các loại thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc đông dược có sai phạm đều không đạt chất lượng về độ tan rã, không đủ hàm lượng, không có hạn sử dụng. Thậm chí nhiều thuốc đã hết hạn đăng ký nhưng nhà sản xuất vẫn ngang nhiên tung ra thị trường.
Chẳng hạn như nhà thuốc Nam Sanh ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, kinh doanh các loại thuốc chữa thận dương hư, bổ tì hoàn của Trung Quốc nhưng không có hóa đơn, đăng ký chất lượng sản phẩm và nhãn hiệu hàng hóa. Đặc biệt, tại đây lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 10 thùng chứa bao bì, hộp thuốc các loại. Chủ nhà thuốc thừa nhận đã mua dược liệu chủ yếu là hàng Trung Quốc tại quận 5 sau đó tự in bao bì và đóng gói.
Còn tại Hà Nội, những sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh đông dược có phần nghiêm trọng hơn. Đại diện Chi cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội cho biết một trong những làng nghề kinh doanh, chế biến thuốc đông dược lớn nhất Hà Nội là ở xã Ninh Hiệp thuộc huyện Gia Lâm, có hơn 200 cơ sở kinh doanh chế biến thuốc nhưng chỉ có khoảng 20 cơ sở được cấp phép. Nguồn hàng tập kết về đây chủ yếu là thu gom từ các tỉnh và từ Trung Quốc chuyển về.
Đặc biệt, kết quả kiểm tra các phòng khám đông y Trung Quốc trên địa bàn cho thấy, 7/9 cơ sở bị kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm. Điển hình, tại cơ sở khám-chữa bệnh ở số 298, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, trong 4 mẫu dược liệu là hồng hoa, bạch linh, hy thiêm, sơn chi tử thì có 2 mẫu không đảm bảo chất lượng như 1kg hồng hoa bị mối mọt, dược liệu bạch linh có tinh bột lạ, không đạt chất lượng theo dược điển Việt Nam 3.
Tại phòng khám đông y Trung Quốc của Công ty Liên Việt Hoa ở số 100, phố Kim Mã thuộc quận Ba Đình, trong 3 mẫu dược liệu trong tủ thuốc là bạch linh, kỳ tử, hồng hoa thì có 2 mẫu không đạt tiêu chuẩn là hồng hoa - có phẩm màu và bạch linh có tinh bột lạ, không đạt tiêu chuẩn theo dược điển Việt Nam 3.
Nỗi lo chất lượng đông dược nhập lậu
Theo một báo cáo gần đây của Thanh tra Bộ Y tế, trên thị trường hiện có khoảng 500 mặt hàng dược liệu, thuốc đông dược, trong đó chỉ có khoảng 50 mặt hàng được nhập khẩu chính thức, 20 mặt hàng thu mua trong nước, còn lại 430 mặt hàng nhập lậu.
Cách đây chưa lâu, chỉ trong một ngày, lực lượng Quản lý Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện hai vụ đông dược nhập lậu trên địa bàn quận 5 với số lượng lên đến hàng trăm ngàn viên thuốc, hàng chục ngàn hộp sản phẩm và hàng trăm chai thuốc. Thực tế cho thấy, phần lớn nguồn dược liệu, thuốc đông dược được nhập từ Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn.
Cơ quan hải quan cửa khẩu Chi Ma cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 50-60 tấn dược liệu được nhập vào Việt Nam. Phần lớn số sản phẩm này xuất xứ từ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ, không số đăng ký. Tuy nhiên, đó chỉ là những “phần nổi”, còn trên thực tế số dược liệu đưa vào Việt Nam lớn hơn nhiều, chủ yếu qua con đường tiểu ngạch.
Điều đáng nói là do được nhập qua đường tiểu ngạch nên các nguồn dược liệu nhập đều không được đảm bảo và kiểm soát về chất lượng, vì vậy, người sử dụng hoàn toàn không biết chất lượng đến đâu.
Theo một lương y tại phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tình trạng hàng đông dược nhập lậu đang ở mức báo động. Hiện, hầu hết các cơ sở khám-chữa bệnh y học cổ truyền khi kiểm tra nói chung đều có hợp đồng mua thuốc tại các cơ sở đã được cơ quan y tế cấp giấy chứng nhận tại phố Lãn Ông, phố Thuốc Bắc thuộc quận Hoàn Kiếm hoặc cơ sở thuốc đông y ở Ninh Hiệp. Thế nhưng họ có mua tại các cơ sở được cấp phép hay không thì không ai rõ (?!).
Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc đông dược và khám-chữa bệnh bằng đông y, song việc kiểm soát mặt hàng này vẫn không khá hơn, trái lại, ngày càng phức tạp do cơ quan chức năng chưa quản lý được chất lượng các nguồn dược liệu nhập khẩu. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi vẫn còn nhiều “nhà sản xuất cấp phường” và ngay cả thầy lang cũng có thể mở các cơ sở sản xuất, bào chế.
Theo nhìn nhận của các cơ quan chức năng, vấn đề chất lượng đông dược sẽ chưa thể thay đổi trong thời gian tới khi mà cơ quan chức năng chưa đủ sức quản lý, chịu “bó tay” như hiện nay.
Để giải quyết triệt để tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong lĩnh vực đông dược, ngoài những nỗ lực của ngành y tế, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc khống chế nguyên liệu và thuốc thành phẩm nhập lậu./.
Hàng trong nước: Báo động đỏ!
Thời gian qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh đông dược và thuốc y học cổ truyền vi phạm tiêu chuẩn dược Việt Nam, như kho chứa dược liệu không đạt điều kiện vệ sinh, độ ẩm nên dễ mốc, biến chất; cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; không có số đăng ký lưu hành; không thực hiện niêm yết giá thuốc theo qui định.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường quận Bình Thạnh cho biết quá trình kiểm tra một số nhà thuốc, cửa hàng đông dược trên địa bàn đã phát hiện nhiều loại đông dược bày bán nhưng không đăng ký chất lượng, nguồn gốc trôi nổi. Nghiêm trọng hơn, có nơi giấy phép kinh doanh chỉ đăng ký bán đông dược nhưng nhà thuốc lại tự mua dược liệu trôi nổi, đóng gói thành phẩm bán ra thị trường.
Theo ông Vị, đa số các loại thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc đông dược có sai phạm đều không đạt chất lượng về độ tan rã, không đủ hàm lượng, không có hạn sử dụng. Thậm chí nhiều thuốc đã hết hạn đăng ký nhưng nhà sản xuất vẫn ngang nhiên tung ra thị trường.
Chẳng hạn như nhà thuốc Nam Sanh ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, kinh doanh các loại thuốc chữa thận dương hư, bổ tì hoàn của Trung Quốc nhưng không có hóa đơn, đăng ký chất lượng sản phẩm và nhãn hiệu hàng hóa. Đặc biệt, tại đây lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 10 thùng chứa bao bì, hộp thuốc các loại. Chủ nhà thuốc thừa nhận đã mua dược liệu chủ yếu là hàng Trung Quốc tại quận 5 sau đó tự in bao bì và đóng gói.
Còn tại Hà Nội, những sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh đông dược có phần nghiêm trọng hơn. Đại diện Chi cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội cho biết một trong những làng nghề kinh doanh, chế biến thuốc đông dược lớn nhất Hà Nội là ở xã Ninh Hiệp thuộc huyện Gia Lâm, có hơn 200 cơ sở kinh doanh chế biến thuốc nhưng chỉ có khoảng 20 cơ sở được cấp phép. Nguồn hàng tập kết về đây chủ yếu là thu gom từ các tỉnh và từ Trung Quốc chuyển về.
Đặc biệt, kết quả kiểm tra các phòng khám đông y Trung Quốc trên địa bàn cho thấy, 7/9 cơ sở bị kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm. Điển hình, tại cơ sở khám-chữa bệnh ở số 298, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, trong 4 mẫu dược liệu là hồng hoa, bạch linh, hy thiêm, sơn chi tử thì có 2 mẫu không đảm bảo chất lượng như 1kg hồng hoa bị mối mọt, dược liệu bạch linh có tinh bột lạ, không đạt chất lượng theo dược điển Việt Nam 3.
Tại phòng khám đông y Trung Quốc của Công ty Liên Việt Hoa ở số 100, phố Kim Mã thuộc quận Ba Đình, trong 3 mẫu dược liệu trong tủ thuốc là bạch linh, kỳ tử, hồng hoa thì có 2 mẫu không đạt tiêu chuẩn là hồng hoa - có phẩm màu và bạch linh có tinh bột lạ, không đạt tiêu chuẩn theo dược điển Việt Nam 3.
Nỗi lo chất lượng đông dược nhập lậu
Theo một báo cáo gần đây của Thanh tra Bộ Y tế, trên thị trường hiện có khoảng 500 mặt hàng dược liệu, thuốc đông dược, trong đó chỉ có khoảng 50 mặt hàng được nhập khẩu chính thức, 20 mặt hàng thu mua trong nước, còn lại 430 mặt hàng nhập lậu.
Cách đây chưa lâu, chỉ trong một ngày, lực lượng Quản lý Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện hai vụ đông dược nhập lậu trên địa bàn quận 5 với số lượng lên đến hàng trăm ngàn viên thuốc, hàng chục ngàn hộp sản phẩm và hàng trăm chai thuốc. Thực tế cho thấy, phần lớn nguồn dược liệu, thuốc đông dược được nhập từ Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn.
Cơ quan hải quan cửa khẩu Chi Ma cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 50-60 tấn dược liệu được nhập vào Việt Nam. Phần lớn số sản phẩm này xuất xứ từ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ, không số đăng ký. Tuy nhiên, đó chỉ là những “phần nổi”, còn trên thực tế số dược liệu đưa vào Việt Nam lớn hơn nhiều, chủ yếu qua con đường tiểu ngạch.
Điều đáng nói là do được nhập qua đường tiểu ngạch nên các nguồn dược liệu nhập đều không được đảm bảo và kiểm soát về chất lượng, vì vậy, người sử dụng hoàn toàn không biết chất lượng đến đâu.
Theo một lương y tại phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tình trạng hàng đông dược nhập lậu đang ở mức báo động. Hiện, hầu hết các cơ sở khám-chữa bệnh y học cổ truyền khi kiểm tra nói chung đều có hợp đồng mua thuốc tại các cơ sở đã được cơ quan y tế cấp giấy chứng nhận tại phố Lãn Ông, phố Thuốc Bắc thuộc quận Hoàn Kiếm hoặc cơ sở thuốc đông y ở Ninh Hiệp. Thế nhưng họ có mua tại các cơ sở được cấp phép hay không thì không ai rõ (?!).
Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc đông dược và khám-chữa bệnh bằng đông y, song việc kiểm soát mặt hàng này vẫn không khá hơn, trái lại, ngày càng phức tạp do cơ quan chức năng chưa quản lý được chất lượng các nguồn dược liệu nhập khẩu. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi vẫn còn nhiều “nhà sản xuất cấp phường” và ngay cả thầy lang cũng có thể mở các cơ sở sản xuất, bào chế.
Theo nhìn nhận của các cơ quan chức năng, vấn đề chất lượng đông dược sẽ chưa thể thay đổi trong thời gian tới khi mà cơ quan chức năng chưa đủ sức quản lý, chịu “bó tay” như hiện nay.
Để giải quyết triệt để tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong lĩnh vực đông dược, ngoài những nỗ lực của ngành y tế, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc khống chế nguyên liệu và thuốc thành phẩm nhập lậu./.
Thái Bình (Báo Tin tức/Vietnam+)