Thị trường lao động Mỹ vẫn theo xu hướng ảm đạm

Trong 3 tháng quý II, mỗi tháng nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra được khoảng 75.000 việc làm mới, chỉ bằng 30% so với mức trung bình của quý I.
Trong một dấu hiệu phản ánh rõ đà phục hồi kinh tế vẫn chưa thật vững chắc, các số liệu công bố ngày 6/7 cho biết, số lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng Sáu vừa qua là khá thấp.

Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao và chiều hướng tiếp tục ảm đạm của thị trường lao động đã và đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo báo cáo ngày 6/7 của Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng vừa kết thúc, toàn bộ nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra được khoảng 80.000 việc làm mới. Đây là tháng thứ ba liên tiếp có số lượng việc làm mới được tạo ra thấp, chứng tỏ nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang vật lộn với hậu quả của cuộc đại khủng hoảng chấm dứt cách đây ba năm.

Như vậy, trong ba tháng của quý II, mỗi tháng nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra được trung bình khoảng 75.000 việc làm mới, chỉ bằng 30% so với mức trung bình của quý I.

Trong sáu tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra được 150.000 việc làm mới, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 161.000 trong sáu tháng đầu năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng Sáu vẫn ở mức cao - âm 8,2%, trong đó riêng thanh niên da đen bị mất việc làm là 14,4%.

Số việc làm mới được tạo ra thấp là một nguyên nhân khiến người tiêu dùng Mỹ phải chắt bóp chi tiêu và đây sẽ là một lực cản đối với đà phục hồi kinh tế vì chi tiêu của người tiêu dùng đóng góp tới hơn 70% vào các hoạt động của nền kinh tế Mỹ.

Tổng số công nhân Mỹ không có công ăn việc làm đến thời điểm hết tháng Sáu vào khoảng 12,7 triệu người.

Do tác động của cuộc đại khủng hoảng 2008-2009, kể từ tháng 1/2008 đến tháng 2/2010 có khoảng 8,8 triệu người Mỹ bị thất nghiệp và cũng trong khoảng thời gian này có hơn 3,8 triệu việc làm mới được tạo ra, chỉ bù đắp được 40% số việc làm bị mất.

Thị trường công ăn việc làm ảm đạm đã ngay lập tức tác động vào thị trường chứng khoán, khiến các nhà đầu tư bán bớt tài sản, làm cho giá các chỉ số chứng khoán chủ lực Mỹ như Dow Jones, Nasdaq Composite và Satndard & Poor 500 trong ngày 6/7 đồng loạt giảm trung bình hơn 1,15%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục