Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở nhiều tỉnh miền núi

Từ 22-24/4, ở các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa rất to, kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá, lũ và sạt lở đất đã làm 5 người chết, 1 người mất tích, 20 người bị thương; ước tính tổng thiệt hại 63 tỷ đồng.
Giông lốc, mưa đá diện rộng tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu làm đổ cây cối, nhà cửa, nhiều diện tích hoa màu mất trắng. (Ảnh: TTXVN)
Giông lốc, mưa đá diện rộng tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu làm đổ cây cối, nhà cửa, nhiều diện tích hoa màu mất trắng. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng như thông tin của phóng viên TTXVN thường trú tại các địa phương cho biết từ ngày 22-24/4, trên bàn các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa rất to, kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá, lũ và sạt lở đất đã làm 5 người chết, 1 người mất tích và 20 người bị thương; ước tính tổng thiệt hại 63 tỷ đồng.

Cụ thể, Hà Giang có 1 người chết do cây đổ; Sơn La có 1 người chết do đá lăn vào nhà làm đổ tường; Yên Bái có 1 người do sét đánh; Lai Châu có 1 người chết do đất đá vùi lấp, 1 người bị lũ cuốn, bên cạnh đó còn có 1 người cũng bị lũ cuốn mất tích.

Trong số 20 người bị thương có 1 người ở Lào Cai, 4 người ở Sơn La, 2 người ở Điện Biên, 4 người ở Bắc Kạn, 2 người ở Nghệ An, 6 người ở Yên Bái và 1 người ở Lai Châu.

Có 5.914 ngôi nhà bị tốc mái ở Thái Nguyên (32 nhà), Lào Cai (599 nhà), Hà Giang (1.283 nhà), Bắc Kạn (68 nhà), Cao Bằng (40 nhà), Yên Bái (795 nhà), Sơn La (710 nhà), Tuyên Quang (74 nhà), Lai Châu (408 nhà), Hòa Bình (562 nhà), Điện Biên (555 nhà), Phú Thọ (204 nhà), Nghệ An (584 nhà).

Về thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, 1.575,8ha lúa và hoa màu bị đổ, dập nát (Thái Nguyên: 95,6ha, Lào Cai 1.110,3ha, Hà Giang 634,2ha, Bắc Kạn 68,6ha, Cao Bằng 68,6ha, Cao Bằng 2,9ha, Yên Bái 167,7ha, Sơn La 96,3ha, Tuyên Quang 29ha, Lai Châu 4,3ha, Hòa Bình 254,8ha, Điện Biên 6,4ha, Phú Thọ 34,5ha, Nghệ An 71,2 ha).

Ngoài ra, 32 công trình phụ, hội trường, nhà văn hóa bị hư hại (Thái Nguyên 12 công trình, Hà Giang 18 công trình).

[Lai Châu: Mưa đá kèm gió lốc làm hai người chết, một mất tích]

Ngay khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã nhanh chóng kiểm tra, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại khắc phục thiên tai, khẩn trương cứu chữa những người bị thương và tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi động viên các gia đình có người bị chết, bị thương.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày và đêm 24/4, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ vẫn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 40-70mm/24h, có nơi trên 100mm/24h); khu vực đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn ở các tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc Bắc Bộ còn có khả năng kéo dài đến ngày 26/4 tới.

Vì vậy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36 ngày 16/4/2020 của Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cần khẩn trương thực hiện công văn số 120 ngày 22/4/2020 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến người dân và cộng đồng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp với mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển; tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai.

Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tận dụng tối đa nguồn nước ngọt từ đợt mưa vừa qua để phục vụ sinh hoạt và sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục