Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo việc Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí với Cyprus

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ quyết định của Mỹ sẽ không mang lại kết quả gì ngoại trừ việc gây cản trở cho những nỗ lực hướng tới sự hòa giải trên đảo Cyprus và gây leo thang nguy hiểm.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ankara. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ankara. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/12, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo việc việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí trong nhiều thập kỷ qua đối với Cyprus sẽ là một "bước leo thang nguy hiểm."

Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) này đang đi xuống.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ quyết định của Mỹ sẽ không mang lại kết quả gì ngoại trừ việc gây cản trở cho những nỗ lực hướng tới sự hòa giải trên đảo Cyprus và gây leo thang nguy hiểm.

Bộ trên tuyên bố sẽ phản ứng trước "những sáng kiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ," nhấn mạnh "những ngôn từ đe dọa và trừng phạt sẽ không bao giờ ngăn cản được Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết triển khai những bước đi nhằm đảm bảo an ninh quốc gia".

[Quốc hội Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Cyprus]

Trước đó cùng ngày, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp dụng hàng chục năm qua đối với Cyprus.

Nghị quyết này là một nội dung trong dự luật chi tiêu quốc phòng được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 17/12 sau khi đã được thông qua tại Hạ viện. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ký ban hành nghị quyết này.

Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus sau cuộc đảo chính của cộng đồng người gốc Hy Lạp.

Cho tới nay, cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa Cyprus của người gốc Hy Lạp, trong khi "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus" của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ không được quốc tế công nhận.

Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Cyprus năm 1987 nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp chiếm đa số trên đảo Cyprus và cộng đồng thiểu số người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1997, Thổ Nhĩ Kỳ từng đe dọa tấn công Cyprus nếu nước này xúc tiến kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga.

Căng thẳng giữa Ankara và Nicosia leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận với Libya về phân định biên giới ở Địa Trung Hải, hướng tới thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus cũng nhận chủ quyền.

Trong khi đó, quan hệ giữa Ankara và Washington cũng đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Hai bên đang tồn tại nhiều bất đồng, từ việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ đặt ngoài vòng pháp luật tới việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU.

Mỹ đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi loại Ankara ra khỏi chương trình hợp tác phát triển của NATO về máy bay tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục