Thổ Nhĩ Kỳ chưa cho phép tàu NATO triển khai trên biển Aegean

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa cho phép các chiến hạm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được triển khai tại vùng biển Aegean để ngăn dòng người di cư đổ về châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa cho phép tàu NATO triển khai trên biển Aegean ảnh 1 Người di cư Syria trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ trên chuyến hành trình vượt Biển Aegean. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa cho phép các chiến hạm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được triển khai tại vùng biển Aegean để ngăn dòng người di cư đổ về châu Âu hoạt động trên vùng lãnh hải của quốc gia này dù NATO đã nhiều lần gửi yêu cầu.

Theo một nguồn tin ngoại giao, phía Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thiếu tướng hải quân người Đức Jorg Klein, chỉ huy chiến dịch trên của NATO, tới Ankara để trình bày về các địa điểm mà NATO định tuần tra.

Trong nhiệm vụ mới chưa từng có tiền lệ này, các tàu của NATO dự kiến được triển khai từ đầu tháng, với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và thu thập thông tin cung cấp cho Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (FRONTEX) để ngăn chặn các hoạt động buôn người xuyên biển, giúp EU đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cùng ngày 1/3 cũng cho biết ông sẽ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp tích cực hơn nữa để giúp EU giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Phát biểu tại Vienna nhân chuyến công du tới các thủ đô của Áo, Slovenia, Croatia, Macedonia và Hy Lạp trước thềm Hội nghị EU-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 7/3 tới, ông Tusk cho biết EU sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các quốc gia gần khu vực chiến sự như Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, EU cũng muốn các quốc gia này đóng góp tích cực, giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng và tránh những thảm họa nhân đạo.

Tại hội nghị sắp tới, Thủ tướng Thổ nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU sẽ cùng đánh giá lại tình hình thực hiện thảo thuận giữa hai bên về việc giảm số người di cư đổ về "lục địa già."

Theo thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí hỗ trợ ngăn chặn tình trạng buôn người và tăng cường hỗ trợ người di cư từ Syria, đổi lại EU phải hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ hơn 3 tỷ USD và đẩy nhanh quy trình xem xét gia nhập liên minh này của chính quyền Ankara.

Thủ tướng Áo Werner Faymann ngày 1/3 đã bác bỏ những chỉ trích của người đống cấp Đức Angela Merkel liên quan tới quyết định đóng cửa biên giới và áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn mà nước này mới áp dụng.

Trả lời phỏng vấn trên báo Heute (Ngày nay) của Áo, Thủ tướng Faymann nhấn mạnh Áo không thể tiếp nhận hàng trăm nghìn người để trở thành "phòng chờ" của Đức. Ông khẳng định sẽ giữ quan điểm cứng rắn đối với chính sách hiện nay.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết Áo vẫn chủ trương ủng hộ một giải pháp quy mô toàn châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, trong đó ưu tiên bảo vệ một cách tin cậy đường biên giới ngoài EU, lập các trung tâm tiếp nhận và tái phân bổ người tị nạn giữa các nước châu Âu.

Theo Thủ tướng Áo, nếu mỗi nước tiếp nhận bằng con số 37.500 người tị nạn như hiện nay của Áo, châu Âu đã có thể tiếp nhận tổng cộng khoảng 2 triệu người. Ông Faymann cũng kêu gọi Thủ tướng Merkel áp đặt mức hạn ngạch tiếp nhận hàng ngày như Áo hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục