Thỏa thuận cứu trợ Síp kéo chứng khoán tăng điểm

Chứng khoán châu Á được kéo lên trong ngày 25/3, sau khi Chính phủ Síp đạt thỏa thuận để nước này có thể nhận được 10 tỷ euro cứu trợ.
Chứng khoán châu Á được kéo lên trong phiên giao dịch ngày 25/3, sau khi Chính phủ Síp và các nhà tài trợ quốc tế đạt thỏa thuận để nước này có thể nhận được 10 tỷ euro cứu trợ, tránh xảy ra sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và sự vỡ nợ của Síp.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 1,1%, bứt khỏi mức thấp trong gần ba tháng vào tuần trước.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 22,9 điểm, hay 0,46%, lên 4.990,2 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 135,85 điểm, hay 0,61%, lên 22.251,15 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 59,9 điểm, hay 0,76%, lên 7.856,12 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 28,96 điểm, hay 1,49%, lên 1.977,67 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo tăng 207,93 điểm, hay 1,69%, lên 12.546,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,56 điểm, hay 0,07%, xuống 2.326,72 điểm.

Thỏa thuận cuối cùng đạt được sau 12 giờ đàm phán giữa Chính phủ Síp, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Các nhà lãnh đạo bị sức ép phải đạt được thỏa thuận sau khi ECB cảnh báo sẽ cắt nguồn tiền cấp cho các ngân hàng Síp nếu không một thỏa thuận nào đạt được vào ngày 25/3, điều sẽ khiến các ngân hàng sụp đổ và Síp có thể phải ra khỏi Eurozone.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết Quốc hội Síp sẽ không cần thông qua thỏa thuận để tránh khả năng thỏa thuận bị phủ quyết như lần trước.

Các bộ trưởng tài chính Eurozone đã thông qua thỏa thuận cứu trợ chỉ vài giờ trước thời hạn chót.

Ông Klaus Regling, người đứng đầu quỹ cứu trợ của khu vực là Cơ chế Bình ổn châu Âu, Síp sẽ nhận được khoản cứu trợ đầu tiên vào đầu tháng Năm sau khi các thủ tục được hoàn tất trong tháng Tư.

Đổi lại, Síp phải thu hẹp đáng kể quy mô hệ thống ngân hàng đang quá lớn, cắt giảm ngân sách, thực hiện cải cách kinh tế và tư nhân hóa tài sản nhà nước.

Nước này cũng sẽ phải huy động 5,8 tỷ euro bằng việc tái cơ cấu ngân hàng lớn thứ hai đất nước là ngân hàng Laiki và buộc chịu lỗ lớn đối với các trái chủ cũng như người gửi tiền vào ngân hàng với số tiền trên 100.000 euro.

Các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro sẽ được bảo đảm theo luật bảo hiểm tiền gửi của EU.

Thỏa thuận mới là điều người gửi tiền không mong muốn, song đã có sự điều chỉnh lớn đối với đề xuất được đưa ra một tuần trước mà trong đó tất cả các khoản tiền gửi sẽ bị đánh thuế, điều đã gây biến động mạnh trên các thị trường toàn cầu.

Về các yếu tố khác có tác động đến thị trường, các thị trường chứng khoán Trung Quốc đang thận trọng trước thời điểm Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Trung Quốc công bố số liệu lợi nhuận trong tuần này./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục