Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1: Cuộc đối đầu Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ rõ ông chưa đồng ý rút bỏ thuế quan nhằm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần của thỏa thuận thương mại.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1: Cuộc đối đầu Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Giang Tô, Trung Quốc, ngày 30/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vào thời điểm then chốt để xác định xem liệu hai cường quốc Mỹ-Trung có đạt được thỏa thuận nhằm làm lắng dịu căng thẳng thương mại song phương hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ rõ ông chưa đồng ý rút bỏ thuế quan nhằm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần của thỏa thuận thương mại.

Ưu thế chủ đạo của phe cứng rắn tại Nhà Trắng trong chính sách Trung Quốc

Tổng Biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu (một phụ trương của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) Hồ Tích Tiến đã viết trên tài khoản Twitter của mình rằng phát biểu của ông Trump không phù hợp với kỳ vọng của thị trường và nếu phía Mỹ không hủy bỏ bất cứ biện pháp thuế quan nào thì sẽ không có thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn một." Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng dù có đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một," căng thẳng Mỹ-Trung cũng không vì thế mà lắng dịu.

Những phát biểu nêu trên được đưa ra một ngày sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố hôm 7/11 rằng phía Bắc Kinh và Washington đã đồng ý chia giai đoạn rút bỏ thuế quan, coi đây là một nội dung của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn một."

Về phía Mỹ, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow chứng thực với hãng tin Bloomberg rằng nếu hai bên đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một," sẽ có nhượng bộ và thỏa thuận về thuế quan.

Một quan chức khác của Nhà Trắng cũng tiết lộ với hãng tin Reuters rằng dỡ bỏ thuế quan là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn một" và thỏa thuận này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị văn bản để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết.

Như vậy, phát biểu của ông Trump không chỉ phản bác tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, mà còn cho thấy phía Mỹ cuối cùng vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong việc có đưa nội dung dỡ bỏ thuế quan vào trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn một" hay không.

[Khả năng việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung bị trì hoãn]

Dù vậy, phát biểu của ông lại tương hợp với Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro. Ông Navarro được nhìn nhận như một chính trị gia thuộc phe cứng rắn với Trung Quốc ở Nhà Trắng.

Vài tiếng sau tuyên bố của phía Trung Quốc và ông Kudlow, vào tối 7/11, ông Navarro đã xuất hiện trên kên Fox News khẳng định Mỹ-Trung hiện nay chưa nhất trí rút bỏ bất cứ biện pháp thuế quan nào làm điều kiện đạt thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một." Ông Navarro đồng thời nhấn mạnh: “Người duy nhất có thể đưa ra quyết định đó là Tổng thống Trump."

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1: Cuộc đối đầu Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản ngày 29/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khả năng xảy ra thỏa thuận ba giai đoạn

Những gì nêu trên cho thấy phe cứng rắn vẫn giữ ưu thế chủ đạo trong chính sách Trung Quốc của Nhà Trắng. Trong khi đó, tuyên bố lạc quan của phía Trung Quốc, như cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steven Bannon nhận định, rất có thể là một thiết kế có tính toán nhằm đưa việc hủy bỏ thuế quan trở thành một phần của bất cứ thỏa thuận nào.

Theo ông Bannon, Trung Quốc đang tìm cách đàm phán lại thỏa thuận, song việc dỡ bỏ thuế quan đi ngược lại với những gì đã đạt được vào tháng 10/2019 và ông Trump là người ghét điều đó hơn ai hết.

Quan trọng hơn, theo ông Navarro, mục đích cuối cùng của đàm phán thương mại là kết thúc các cuộc tấn công mang tính kết cấu của Trung Quốc nhằm vào kinh tế Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ sẽ sử dụng thỏa thuận ba giai đoạn. Phát biểu của ông Navarro có thể bao hàm hai ý.

Thứ nhất là đàm phán thương mại Mỹ-Trung chia thành ba giai đoạn, thực hiện theo phương thức dễ trước khó sau, nhanh chóng đạt được thỏa thuận "Giai đoạn một" nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của các bên.

Đối với ông Trump, người đang trong sóng gió khi bị điều tra luận tội, để có thể liên nhiệm tại cuộc bầu cử Tổng thống trong hơn một năm nữa, cần phải nhanh chóng đưa ra thành tích chính trị, đặc biệt là phải lấy lòng những người nông dân vốn ủng hộ ông nhiệt thành. Đối với ông Tập Cận Bình, Trung Quốc cần phải nhanh chóng giảm áp lực của chiến tranh thương mại đối với kinh tế nước này nhằm tránh gây ảnh hưởng tới ổn định chính trị.

Đàm phán thương mại chia thành ba giai đoạn, khó khăn thách thức sẽ để lại giải quyết ở giai đoạn hai và giai đoạn ba còn thỏa thuận "Giai đoạn một" có thể để tới tháng 12/2019 ký kết. Hiện nay, địa điểm ký kết có thể là “trận đấu” cuối cùng của hai bên trước khi ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một." Nếu phía Trung Quốc nhân cơ hội này yêu cầu Washington dỡ bỏ thêm nhiều biện pháp thuế quan, phía Mỹ yêu cầu phía Trung Quốc mua thêm nông sản thì khả năng Mỹ-Trung ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một" trong 1-2 tháng tới là khá cao.

Khi đó, đàm phán thương mại giai đoạn hai và giai đoạn ba sẽ là rất khó khăn, chiến tranh thuế quan có thể sẽ tiếp tục. Ông Navarro đã đề cập tới bảy “vấn đề mang tính kết cấu” của Trung Quốc, bao gồm đánh cắp bản quyền tri thức của Mỹ, bán phá giá để giành giật thị trường với doanh nghiệp Mỹ, tiến hành trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước…

Những vấn đề này liên quan tới chế độ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, trong đó vấn đề trợ cấp doanh nghiệp nhà nước có thể nói đã chạm vào “giới hạn đỏ” của Bắc Kinh, cho nên, không gian nhượng bộ là cực kỳ giới hạn.

Ngoài ra, từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu, phía Mỹ đã đưa ra yêu cầu về cơ chế thực hiện thỏa thuận đạt được. Nhưng đảm bảo tuân thủ thỏa thuận bằng pháp luật rõ ràng liên quan tới vấn đề chủ quyền, Bắc Kinh càng khó nhượng bộ.

Nếu tính từ tháng Ba năm ngoái khi ông Trump tuyên bố áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc với lý do phía Trung Quốc đã đánh cắp bản quyền tri thức và bí mật thương mại của Mỹ, hai bên đã mất hơn một năm rưỡi đàm phán mới tiến được tới gần thỏa thuận giải quyết vấn đề dễ nhất.

Cho nên, không cần nói cũng có thể biết để đạt được thỏa thuận giai đoạn hai và giai đoạn ba, hai bên còn phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí mất thời gian, nhưng vẫn không thể đạt được thỏa thuận. Để gây sức ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ, phía Mỹ rất có thể lại tiếp tục sử dụng biện pháp thuế quan. Do đó, nếu coi khoảng thời gian trước khi ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một" là thời kỳ “trăng mật” thì thời kỳ đó cũng không kéo dài và sau “trăng mật” rất có thể là “vỡ mật”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục