Nghệ thuật hội họa luôn là cảm hứng lớn của ngành thời trang, mối liên kết giữa thời trang và nghệ thuật hội họa đã được hình thành từ khi nhà thiết kế lừng lẫy Yves Saint Laurent giới thiệu những mẫu đầm Mondrian ấn tượng vào năm 1965.
Với sự sáng tạo tột bậc, các nhà thiết kế tận dụng những nét vẽ chuyển thể vào trong trang phục một cách tinh tế. Dõi theo các sàn diễn thời trang Thu Đông 2014-15 có thể nhận thấy nguồn cảm hứng từ hội họa cũng như những trường phái nghệ thuật hiện đại có sức ảnh hưởng rộng khắp, được các nhà thiết kế thể hiện hết sức tài tình qua các mẫu trang phục và phụ kiện.
1. Những vệt màu bay bổng
Nổi bật giữa “rừng” các thiết kế in kỹ thuật số là những đường nét hội họa đầy chất thơ. Những vệt màu nước, những nét vẽ sống động không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa mà còn chứa đựng cảm hứng say mê và những giây phút nghệ thuật thăng hoa. Chứng minh cho sự hồi sinh của thủ công trong thời đại kỹ thuật số, Burberry Prorsum dưới sự điều hành của nhà thiết kế Christoper Bailey đã mang đến những cảm hứng tươi mới từ những nét vẽ tay bay bổng và sinh động qua các thiết kế trong bộ sưu tập Thu Đông 2014-15.
2. Nghệ thuật hội họa pop-art
Nếu bạn đam mê hội họa, chắc chắn trào lưu nghệ thuật mang tên pop-art (nghệ thuật đại chúng) không còn xa lạ nữa. Xu hướng pop-art mùa Thu Đông 2014-15 xoay quanh những nhân vật truyện tranh, nhân vật hoạt hình quen thuộc hay đến cả những logo, sản phẩm mang tính đại chúng. Với chất liệu gần gũi và sống động, các nhà thiết kế đã mang đến những thiết kế thú vị để lại những dấu ấn khó quên.
3. Nghệ thuật op-art
Trong khi trường phái pop-art tập trung khai thác những hình ảnh phổ biến, gần gũi thì nghệ thuật op-art (nghệ thuật thị giác) lại tạo hiệu ứng thị giác trên trang phục. Dấu ấn của op-art qua các thiết kế mùa Thu Đông 2014-15 được thể hiện rất rõ nét qua những họa tiết và tông màu nổi bật.