Thống đốc Thái kêu gọi ưu tiên đối phó bất ổn KT

Thống đốc Ngân hàng TW Thái Lan đề nghị Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách coi trọng ứng phó với tác động từ sự bất ổn thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT), ông Prasarn Trairatvorakul đã đề nghị Chính phủ Thái Lan và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của nước này coi trọng ứng phó với tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới trong năm 2012.

Phát biểu tại Hội thảo “Đường hướng phát triển kinh tế Thái Lan sau khủng hoảng lũ lụt”, tổ chức ngày 24/11 tại thủ đô Bangkok, Thống đốc Prasarn nhận định lũ lụt đang là thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế và hậu quả của nó sẽ kéo dài tới đầu năm 2012, song bức tranh kinh tế sẽ thay đổi vào quý 2/2012.

Theo ông, đến giữa năm tới, hậu quả lũ lụt không còn là mối lo ngại mà thay vào đó là sự lo ngại về những tác động của nền kinh tế thế giới, được dự báo sẽ u ám hơn với nguy cơ bất ổn kéo dài.

Thống đốc Prasarn đề nghị trước mắt các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần có biện pháp mạnh, nhưng ngắn hạn để ứng phó các tác động do lũ lụt gây ra đối với các hoạt động kinh tế, bên cạnh đó, cần điều chỉnh chính sách tiền tệ đảm bảo giúp duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống tài chính của Thái Lan, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát.

Thống đốc Prasarn cũng cho rằng trước mắt, Chính phủ Thái Lan cần dành đầu tư đáng kể cho quản lý nguồn nước nhằm đảm bảo với các nhà đầu tư về việc nhà máy, công xưởng của họ sẽ không bị đình đốn vì ngập lụt trong tương lai. Chính phủ cũng cần chuẩn bị các biện pháp tài khóa để sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong trường hợp bất ổn kinh tế thế giới tác động nghiêm trọng hơn tới Thái Lan trong tương lai.

Thống đốc Prasarn nêu rõ rằng mặc dù Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã nhất trí về các biện pháp bước đầu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước thành viên như Hy Lạp, nhưng hiện vẫn chưa có gì đảm bảo EU có thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng này. Các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ giờ đây đã tăng cường chính sách “thắt lưng buộc bụng” khiến sức mua trên thị trường sụt giảm.

Theo Thống đốc Prasarn, có thể Thái Lan ít bị tác động về thương mại do nước này thành công trong nỗ lực đa dạng hóa đối tác thương mại, phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Thái Lan thuộc loại mặt hàng thiết yếu, trong khi châu Âu chỉ chiếm 10% tổng xuất khẩu của Thái Lan, song thị trường tài chính thường rất nhạy cảm trước các giải pháp không rõ ràng của Mỹ, châu Âu nên Thái Lan có thể đứng trước các nguy cơ như khan hiếm tín dụng và biến động mạnh của tỷ giá tiền tệ. Ông nhấn mạnh các nguy cơ này đòi hỏi Thái Lan phải tăng cường giám sát chặt chẽ thị trường tài chính.

Cũng tại hội thảo, ông Prasarn cho biết tại cuộc họp ngày 30/11 tới, Ủy ban Chính sách tiền tệ Thái Lan sẽ đưa ra dự báo mới về tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2011 với thấp hơn dự báo hiện nay là 2,6%. Tuy nhiên ông tin tưởng nền kinh tế Thái Lan trong năm 2012 sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn 4,1% như dự báo ở thời điểm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục