Xa nhà 10 năm, gia đình tan vỡ, em gái mất, mẹ già yếu, địa phương hờ hững, Thu Cúc phải một mình đối mặt với nghịch cảnh tưởng như đã hàng nghìn lần đánh gục cô.
Sự bạc bẽo cho một tượng đài
Ngày 12/10/2012, Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Cần Thơ tổ chức một cuộc họp “vô tiền khoáng hậu”. Nội dung cuộc họp yêu cầu Thu Cúc giải trình lý do “thông tin sai” về chế độ, chính sách của tỉnh đối với nữ hoàng bảy môn phối hợp. Sự kiện trên diễn ra chỉ ba ngày sau khi Thu Cúc mang về tấm huy chương vàng thứ chín nội dung bảy môn phối hợp cho thể thao Cần Thơ hôm 9/10.
Phía sau câu chuyện của cô gái khi ấy đã 32 tuổi là một hành trình đầy nước mắt.
Năm 2009, Thu Cúc chia tay chồng do gia đình anh yêu cầu hai người phải có con. Những năm tháng tập trung cùng đội tuyển khiến Cúc phải xa chồng. Mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn trước áp lực từ phía gia đình nhà chồng. Lấy nhau được hai năm (2007), Cúc quyết định chia tay. Cô kể lại: “Thôi, mình ra đi để ông xã có người khác, để ông có con như nguyện vọng của gia đình. Còn mình hiện tại không thể làm được điều đó. Mình còn phải tập luyện, còn phải lo cho gia đình mình.”
Một năm sau ngày chia tay, Cúc tạm biệt đội tuyển quốc gia để trở lại Cần Thơ. Đó là thời điểm em gái cô làm ăn thua lỗ, lâm trọng bệnh và qua đời. Nén nỗi đau, Cúc hứa với em sẽ chăm sóc Tiểu Phụng (cháu gái) đến khi khôn lớn.
Đấy cũng là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời Thu Cúc. Lãnh đạo tỉnh Cần Thơ dường như đã “quên” mất người từng đem về cho họ chín huy chương vàng quốc gia và hai tấm huy chương vàng SEA Games. Khi ấy, Cúc vẫn chưa được vào biên chế mà chỉ có hợp đồng với tỉnh. Ý định của lãnh đạo ngành thể thao tỉnh Cần Thơ là tiếp tục cho Thu Cúc hưởng lương thêm một thời gian trước khi cắt hợp đồng.
Cúc xúc động hồi tưởng: “Năm 2010 trở về, mình rất buồn vì dù vừa dành huy chương nhưng không có sự động viên, hỏi han, hỗ trợ nào. Khi em mình mất, mình cũng không được cơ quan quan tâm. Khi ấy, bộ môn chỉ có vài người tới thăm. Mình rất buồn, rất tủi thân.”
Lý do được lãnh đạo ngành đưa ra là Cúc không có bằng cấp, không thể “nhét vào chỗ nào được”. Quả thật, Cúc không có trong tay bất cứ chứng chỉ nào. Cô từng phải bỏ dở quá trình học ở Cao đẳng thể thao Thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2002 vì nợ chín môn do bận tập trung đội tuyển quốc gia. Bản thân Cúc cũng không được nhận 200 triệu tiền thưởng như đã hứa của lãnh đạo tỉnh (cho huy chương vàng giải vô địch quốc gia 2010).
Khi ấy, Cúc phải một mình đối mặt với tất cả. Cô một tay nuôi Tiểu Phụng (cháu gái) và mẹ già, phụ bán quán cà phê, đi làm thêm và tiếp tục tập luyện. Một ngày của Thu Cúc bắt đầu từ bốn giờ sáng bằng việc dậy pha cà phê cho mẹ. Bảy giờ, cô đi tập đến trưa trước khi tranh thủ làm thêm ở công ty quảng cáo tới buổi chiều. Hôm nào cũng vậy, mọi việc chỉ kết thúc lúc 10 giờ tối. Đó là còn chưa nhắc tới khoản nợ hàng trăm triệu của em gái mà cô phải trả nợ thay. Nhiều hôm, Cúc chỉ ăn một bữa cơm: “Cảm giác lúc ấy rất buồn. Không có một ai quan tâm. Cuộc sống riêng tư của bản thân đã đổ ngang, em mất, cơ quan không có sự ưu đãi. Lúc ấy, mình thấy tủi thân, hụt hẫng, thậm chí bản thân đã nghĩ tới những điều tiêu cực.”
Không có một ai dang tay giúp đỡ Thu Cúc vào lúc ấy. Nhưng chính trong nghịch cảnh, bản lĩnh của một nhà vô địch đã lên tiếng. Cúc biết mình phải đứng dậy: “Nếu mình buông xuôi, gia đình mình sẽ gặp khó khăn. Không ai lo nổi được. Nếu mình không cố lên, ai sẽ chăm sóc gia đình mình.”
Cái đích của cô gái sinh năm 1980 là giải vô địch quốc gia năm 2012. Cô là một vận động viên, cô phải chứng minh được mình trên đường chạy. Cúc biết rằng huy chương vàng quốc gia ấy sẽ khiến lãnh đạo buộc phải chú ý tới cô. Đó là cơ hội duy nhất để Thu Cúc thay đổi nghịch cảnh đau khổ của cô và gia đình. Với quyết tâm của mình, Cúc đã làm được.
Cô hồi tưởng: “Mình đã chịu hai năm vất vả như thế. Đến năm 2012, mình vẫn đảm bảo được tấm huy chương vàng cho địa phương. Khi đó, mình mới được nói những điều mình bức xúc, ức chế.”
Tại sao 10 năm cống hiến lại bị lãng quên? Tại sao bao nhiêu tấm huy chương vàng châu lục đều không được chú ý nhưng chỉ một tấm huy chương vàng quốc gia đã được quan tâm? Tại sao tên tuổi hàng đầu của thể thao Cần Thơ lại bị đối xử bạc bẽo như thế?
Những câu hỏi của Thu Cúc đã được trả lời thỏa đáng trong cuộc họp của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cần Thơ hôm 19/10. Ban giám đốc đồng ý tuyển đặc cách Cúc vào biên chế. Cô cũng phải tiếp tục đi học để hoàn thành chương trình dang dở cách đây 10 năm.
Nụ cười đã trở lại trên gương mặt Thu Cúc. Sau tất cả, hạnh phúc đã trở lại với cô.
Từng phải bán nhà vì nợ tiền
Sau khi giành hai huy chương vàng liên tiếp ở SEA Games 22 và 23, Thu Cúc được cấp một căn nhà nhỏ ở Cần Thơ. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, đến năm 2007, Cúc buộc phải bán nhà. Căn nhà ấy với Cúc không chỉ là một mảnh đất, nó là bằng chứng khẳng định thành công của cô, là minh chứng cho sự nghiệp huy hoàng và những khổ luyện của Cúc suốt hàng chục năm trời.
Trao đổi với VietnamPlus, Cúc nói rằng một ngày nào đó, khi kinh tế gia đình đã khá hơn, cô sẽ tìm cách mua lại căn nhà kỷ niệm ấy. Ngày ấy chắc sẽ còn rất xa. Nhưng với ý chí của mình, chẳng phải Cúc đã làm được những điều còn kỳ diệu hơn?