Cộng đồng ASEAN sẽ không thể phát triển bền vững nếu vẫn tồn tại khoảng cách phát triển quá lớn giữa các thành viên. Vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách phát triển sẽ tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu và lâu dài đối với hợp tác trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, nhằm mục đích xây dựng một ASEAN hội nhập, gắn kết và năng động.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 (AEM 47) mới đây ở Malaysia, các nước đã nhất trí thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN, tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên cụ thể gồm: Tăng cường hội nhập kinh tế thông qua hài hòa các quy tắc, luật lệ, các tiêu chuẩn và thúc đẩy sự minh bạch trong khu vực; đẩy nhanh việc sử dụng công nghệ thông tin trong thúc đẩy thương mại-đầu tư nội khối; thúc đẩy các tam giác tăng trưởng tiểu khu vực, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư qua biên giới; đẩy mạnh tự do hóa dịch vụ, bao gồm cả các dịch vụ tài chính và hội nhập thị trường vốn để cung cấp cơ sở hạ tầng tài chính cần thiết và cơ sở vật chất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích khu vực tư nhân chủ động hơn trong hội nhập kinh tế.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Indonesia, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết: “Phát triển công bằng và thu hẹp khoảng cách phát triển trong từng quốc gia cũng như giữa các quốc gia thành viên luôn là ưu tiên trong quá trình hội nhập của ASEAN. Đồng thời với việc triển khai lộ trình xây dựng cộng đồng, từ năm 2009 đến nay, ASEAN đã triển khai thực hiện hai chương trình quan trọng là Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và Sáng kiến hội nhập ASEAN.
Theo đó, các nước ASEAN-6, các nước đối tác và các tổ chức quốc tế triển khai các hoạt động hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho các nước thành viên mới của ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV), nâng cao năng lực triển khai các sáng kiến và chương trình hội nhập.”
Theo các thỏa thuận và cam kết về kết nối ASEAN, những sự hỗ trợ của các nước ASEAN-6 đã tập trung vào những ưu tiên và nhu cầu cấp thiết của các nước CLMV trong nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng mềm của các quốc gia, đem lại những tác động bền vững và lâu dài đối với hội nhập khu vực, đồng thời tạo nguồn vốn cho các dự án phát triển.
Tuy nhiên, cho dù đã thu được những kết quả đáng khích lệ thể hiện qua việc tăng đáng kể tỷ lệ và chất lượng triển khai các biện pháp đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ GDP trong ASEAN, nhưng khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN vẫn còn rất lớn.
Thu nhập trung bình ở các nước ASEAN giàu có nhất cao gấp 45 lần các nước nghèo nhất ngay cả sau khi đã điều chỉnh do sự chênh lệch về sức mua của đồng tiền. Ở các nước nghèo nhất của ASEAN, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn cũng lớn. Trong việc triển khai Tầm nhìn sau 2015, ASEAN sẽ phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn và có trọng điểm hơn cả sáng kiến hội nhập ASEAN cũng như Khuôn khổ ASEAN về Phát triển kinh tế công bằng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Indonesia về vấn đề này, ông Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng: “Nếu muốn phát triển thành một cộng đồng kinh tế chung, chúng ta phải có cùng một mức tăng trưởng kinh tế. Nhiều nước ASEAN cần đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu của các chỉ số kinh tế nhằm tạo điều kiện cho 10 nước có thể dễ dàng hợp tác trong bất cứ hoạt động hoặc dự án nào.
Vì những nước phát triển cao hơn như Singapore chẳng hạn sẽ không dễ hợp tác với những nước có khoảng cách quá lớn về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. ASEAN cần tìm giải pháp để thu hẹp khoảng cách phát triển bằng việc đào tạo nâng cao năng lực cho các nhân viên chính phủ, các doanh nghiệp, kêu gọi sự chia sẻ kinh nghiệm phát triển giữa các nước.
Indonesia có dân số rất lớn nhưng sức mạnh kinh tế chỉ đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Indonesia có thể chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực thành công như các ngành nông lâm nghiệp. Và chúng ta hy vọng trong tương lai sẽ xuất hiện hình ảnh các “sản phẩm ASEAN” vì mỗi nước ASEAN đều sở hữu sức mạnh riêng, tạo ra chuỗi cung ứng khu vực.”
Khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN còn khá lớn chính là một bước cản đối với sự phát triển chung của Hiệp hội.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, điều đó còn có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình hội nhập và khả năng của khu vực trong việc đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu xây dựng một ASEAN hội nhập, gắn kết và năng động thì không còn con đường nào khác là Hiệp hội sẽ phải tiếp tục nỗ lực để tạo nên sự cân bằng chung và thúc đẩy sự phát triển ở mỗi quốc gia bởi vì sức mạnh, tiềm lực của mỗi quốc gia thành viên sẽ tạo nên sức mạnh chung của ASEAN./.