Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; trong đó, nêu nhiều vướng mắc, bất cập trong thực thi nghị định này.
Theo Bộ Công Thương, cơ bản việc điều hành xuất khẩu gạo đạt được mục tiêu đề ra, là tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt.
Qua đó, đảm bảo lợi ích người trồng lúa, cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng, ổn định thị trường giá cả, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường gạo thế giới cực kỳ căng thẳng do tác động của dịch COVID-19.
Thống kê cho thấy tính đến ngày 25/11 vừa qua, cả nước có 205 thương nhân đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Thế nhưng, theo tổng hợp từ Tổng cục Hải quan, từ tháng 12/2019 đến nay có tới 39 thương nhân có trụ sở tại 16 tỉnh, thành không xuất khẩu gạo.
Đây là những trường hợp xem xét thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 8 của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về việc thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, trừ trường hợp thương nhân đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật, sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng trong việc thực hiện Nghị định 107/2018/NĐ-CP còn nhiều bất cập. Bởi, đã có 205 thương nhân đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định, nhưng trong số này có 39 thương nhân không xuất khẩu gạo từ tháng 12/2019 đến nay.
Nhiều thương nhân được cấp Giấy chứng nhận nhưng không có thị trường, không có khả năng, năng lực xuất khẩu, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã không thể xuất khẩu trong gần 2 năm.
[Nhu cầu thế giới tăng, cơ hội rộng mở với doanh nghiệp xuất khẩu gạo]
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nêu rõ việc Nghị định 107/2018/NĐ-CP không quy định sức chứa kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; dẫn tới không đảm bảo công bằng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.
Sau 3 năm thực hiện Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương nhận thấy đã phát sinh kẽ hở trong ủy thác xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất tới đây chỉ thương nhân được cấp giấy chứng nhận và thực hiện xuất khẩu gạo được nhận ủy thác.
Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gạo hiện nay đã khác với nhiều năm trước, nên một số quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã không còn phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung 2 tiêu chí kho chứa và công suất nhà máy xay xát, chế biến là nhằm mục tiêu chuẩn hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào để đảm bảo đồng bộ hóa về năng lực chế biến của ngành.
Trong trường hợp không xuất khẩu liên tục theo thời gian quy định; hoặc quá 3 tháng sau khi thay đổi nội dung trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng không điều chỉnh, thực hiện sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc phải thay đổi quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo, bởi gạo là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến khoảng 30 triệu nông dân trồng lúa.
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo, mà có tới 205 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Nhiều ý kiến lo ngại, chính vì điều kiện thông thoáng, nên thậm chí có doanh nghiệp dùng giấy phép xuất khẩu gạo để phục vụ mục đích khác, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, giá trị của gạo Việt Nam.
Thống kê cho thấy, 11/5/2021, cả nước đã xuất khẩu 5,76 triệu tấn gạo, thu về 3,035 tỷ USD, tăng gần 1% về lượng và tăng 7,3% về trị giá. Ngành gạo sẽ hoàn thành xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo, trị giá từ 3,2-3,3 tỷ USD vào cuối năm nay./.