Ngày 6/10, Hội thảo “Khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư Thái Lan,” diễn ra tại thủ đô Bangkok, nhằm giới thiệu các cơ hội và tiềm năng đầu tư vào khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam cho các nhà đầu tư Thái Lan.
Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) phối hợp tổ chức, nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan trong đó có Hội đồng Kinh doanh Thái Lan-Việt Nam (TVBC), Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), các trung tâm nghiên cứu cùng gần 200 doanh nghiệp nước này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng đã chào mừng các đại biểu đại diện cho chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đến tham dự hội thảo; đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tham gia sẽ trao đổi những thông tin thiết thực, hữu ích một cách thẳng thắn, cởi mở về cơ hội đầu tư và kết nối hợp tác-kinh doanh Việt Nam-Thái Lan trong thời gian tới.
Đại sứ nhấn mạnh mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa hai nhà nước, hai Chính phủ Việt Nam-Thái Lan đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo ra môi trường tin cậy và hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp.
Các mối quan hệ đối tác trong thương mại, đầu tư cũng tạo nên những lợi ích góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Thái Lan hiện nay là một trong 10 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD thông qua gần 500 dự án, nhưng chủ yếu là vào khu vực phía Nam và Bắc Việt Nam.
Miền Trung Việt Nam hiện đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài từ chính phủ và chính quyền địa phương, cũng như có lợi thế kết nối hạ tầng giao thông, logistic thuận tiện, dễ dàng giữa khu vực miền Trung Việt Nam với Hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan, các doanh nghiệp Thái Lan được ưu tiên chào đón đến đầu tư trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Chokdee Keawsang, Phó Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI), nhận định Thái Lan và Việt Nam là hai nước gần gũi về địa lý với các tiềm năng hợp tác to lớn.
Việt Nam cũng là một thị trường lớn, ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Thái Lan trong thời gian qua. Miền Trung Việt Nam là địa bàn chiến lược với nhiều cơ hội đầu tư hiện đang được nhà nước Việt Nam quan tâm phát triển.
Các doanh nghiệp Thái Lan nên nắm bắt cơ hội đầu tư ở miền Trung Việt Nam, vượt qua các khó khăn bất cập để cạnh tranh với các nước khác.
Ông cho biết BOI sẽ mở văn phòng tại Hà Nội vào đầu năm sau để hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung thuộc Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đã giới thiệu toàn cảnh về hoạt động đầu tư của nước ngoài trong đó có Thái Lan tại Việt Nam cũng như các tiềm năng, thuận lợi của môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng.
Ông cũng nhấn mạnh hội thảo là cơ hội tốt để nâng cao quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư của khu vực miền Trung Việt Nam với các nhà đầu tư tiềm năng của Thái Lan và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại đây.
Các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp trong khu vực sẽ đối thoại, trực tiếp giới thiệu, xúc tiến các dự án cơ hội đầu tư trọng điểm với các tổ chức quốc tế, đối tác và nhà đầu tư Thái Lan có quan tâm.
Các đại biểu dự hội thảo cũng đã trình bày những tham luận nghiên cứu về xu thế đầu tư của khu vực với những ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế của Thái Lan và Việt Nam.
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng đã có các hoạt động giới thiệu về những thuận lợi về địa lý, tiềm năng phát triển của tỉnh trong không gian kinh tế miền Trung Việt Nam.
Tại cuộc đối thoại của đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan cùng đại diện của BOI và đại diện các địa phương, nhiều khúc mắc về quy trình pháp lý, thủ tục cùng chính sách hỗ trợ đã được giải đáp.
Bên lề Hội thảo, một triển lãm về tiềm năng kinh tế biển và cơ hội đầu tư tại khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam cũng đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và giới chức Thái Lan.
Kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1976, quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Việt Nam-Thái Lan đã đạt những kết quả tích cực và ngày càng được củng cố, phát triển.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Thái Lan tháng Tám vừa qua, lãnh đạo hai nước đã cùng nhất trí quan hệ song phương hai nước hiện nay “đã chín muồi và bước vào giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay.”
Hiện nay, đầu tư của Thái Lan tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến-chế tạo, với 212 dự án có vốn đầu tư 7,14 tỷ USD, hạ tầng là 7 dự án với 397 triệu USD và nông nghiệp với 30 dự án có 277 triệu USD), hiện diện chủ yếu tại khu vực phía Nam và Bắc Việt Nam./.