Thu hút FDI: Lấy chất, chứ không chạy theo lượng

Năm 2012 sẽ không đặt trọng tâm vào số lượng thu hút mà đặt nhiều hơn vào chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư nước ngoài.
Khác với những năm trước lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh, thành trên cả nước thường kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào càng nhiều càng tốt, nhưng năm nay chính chất lượng và hiệu quả của các dự án này mới là mối quan tâm hàng đầu.

Không chạy theo lượng vốn đăng ký

Năm 2012 này, Cục Đầu tư nước ngoài dự kiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 15-16 tỷ USD, chỉ tăng hơn năm 2011 trên 1 tỷ USD; nhưng vốn giải ngân lại phấn đấu đạt 11 tỷ USD, đây là mức dự kiến bằng so với hai năm trước.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: "Trong năm 2012 chúng ta sẽ tập trung chất lượng vốn giải ngân, chứ không quá quan tâm đến vốn đăng ký vì vốn đăng ký xong rồi có khi lại không được triển khai."

Trong thời gian qua, có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư và lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam chỉ là vỏ bọc để tận dụng ưu đãi đầu tư, cũng như những ưu đãi thuế đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung không phải là hiếm. Với mục đích này, các nhà đầu tư nước ngoài thường nhập khẩu sản phẩm hàng hóa vào Việt Nam, thuê một số ít lao động để thay đổi nhãn mác, rồi xuất khẩu chính loại hàng hóa đó với xuất xứ mới là từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp FDI lỗ liên tiếp nhiều năm mà vẫn hoạt động, cá biệt có doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực đầu tư… “Mánh” của họ là nhập khẩu nguyên liệu máy móc đầu vào từ công ty mẹ ở mức giá cao, sau đó bán lại hàng hóa sản xuất ở Việt Nam cho công ty mẹ với giá thấp. Như vậy, các doanh nghiệp FDI “né” được thuế thu nhập doanh nghiệp và tiếp tục được hoàn thuế giá trị gia tăng, gây thất thoát nguồn thu thuế trong nước.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng này kéo dài sẽ làm cho các doanh nghiệp FDI “nhờn thuốc” đối với hệ thống pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp FDI kê khống giá nhập khẩu nguyên liệu máy móc thiết bị từ công ty mẹ ở nước ngoài cũng làm cho mức nhập siêu tăng lên, giá thành sản phẩm do các doanh nghiệp FDI sản xuất đắt hơn, là cơ sở để các doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo một môi trường kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.

"Những dự án như thế này năm nay sẽ được Bộ lọc và giảm dần đi đồng thời tập trung vào những lĩnh vực như công nghiệp - xây dựng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo," ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Hoàng cũng đưa ra dẫn chứng, trong cơ cấu vốn của những năm trước, năm 2010 ngành công nghiệp chế tạo xây dựng chỉ chiếm khoảng 54%, năm 2011 lĩnh vực này đã chiếm khoảng 74% mà ngành này là một ngành rất bền vững, đã đầu tư rồi là cứ thế theo guồng sản xuất.

Xúc tiến đầu tư "xanh"

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, lãnh đạo Bộ đã lên kế hoạch sẽ thay đổi cách xúc tiến đầu tư, phải nhằm vào những nhà đầu tư nào mà có khả năng đáp ứng được các nhu cầu mà Việt Nam đang cần, ví dụ như công nghệ xanh.

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó chúng ta sẽ cần rất nhiều các công nghệ, đặc biệt là công nghệ đem lại các năng lượng mới, năng lượng tái tạo, những dự án về công nghệ cao...

"Bộ sẽ trực tiếp tiếp xúc với những tập đoàn đó để đưa ra được các chính sách, cơ chế ưu đãi, chứ chúng ta không chỉ mời chào chung chung hoặc chỉ ngồi chờ các nhà đầu tư vào," Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Tại Hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài khu vực phía Bắc được tổ chức cuối năm 2011, chia sẻ về công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh xác định vấn đề xúc tiến đầu tư là cơ bản nhưng công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều yếu tố tổng hòa khác, cụ thể như các yếu tố về cơ sở hạ tầng, sự ứng xử của các cơ quan chính quyền đối với nhà đầu tư.

Xác định tầm quan trọng của công tác lựa chọn dự án đầu tư cho việc phát triển bền vững của địa phương, Hải Dương đã từ chối nhiều dự án nhạy cảm có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao hay những dự án sử dụng nhiều lao động nhưng nhà đầu tư lại yêu cầu được xây dựng ở đô thị.

Tuy nhiên, sự sụt giảm dòng vốn FDI trong năm 2011 cũng là một cảnh báo cần được quan tâm đúng mức. Nguy cơ dòng vốn FDI "chảy" sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á thay vì vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Indonesia và Thái Lan là những ví dụ điển hình về cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI. Sắp tới có thể Myanmar, Campuchia cũng sẽ là đối thủ của Việt Nam. Khả năng tiếp cận vốn thấp do lãi suất cao, chính sách tài khóa thắt chặt, cùng với chính sách vĩ mô về thuế và đất đai thiếu ổn định… là những thách thức không nhỏ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đã đến lúc Việt Nam cần có sự lựa chọn kỹ hơn, nhằm tăng chất lượng và tính bền vững của dòng vốn FDI. Vấn đề chất lượng dự án, chất lượng dòng vốn FDI được đặt ra từ đầu. Tuy nhiên, do đặc thù thiếu vốn đầu tư, Việt Nam vẫn “nới lỏng” biên độ để thu hút. Những khiếm khuyết trong quy chế về thu hút vốn FDI bộc lộ ngày càng nhiều.

Vì vậy, chiến lược thu hút FDI cần có tư duy mới về tính hai mặt của dòng vốn FDI để có những giải pháp hài hòa giữa yếu tố thúc đẩy tăng trưởng với xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững. "Trong chiến lược thu hút FDI sắp tới, thay vì đưa ra các ưu đãi, phải tập trung giải quyết các vấn đề môi trường đầu tư chuẩn bị các điều kiện cơ bản như hạ tầng, nguồn nhân lực, đội ngũ doanh nhân…," một chuyên gia cho hay.

Thứ trưởng Phương khẳng định, năm 2012 sẽ không đặt trọng tâm vào số lượng dự án thu hút mà đặt nhiều hơn vào chất lượng, hiệu quả của các dự án. Từ định hướng này, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải xây dựng và điều chỉnh một số cơ chế chính sách liên quan đến ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục