Thụ tinh nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, những phụ nữ từng thụ tinh nhân tạo khi trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Western Australia vừa công bố một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đã từng áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) khi còn trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn so với những người bình thường.

Bà Louise Stewart, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm đã thực hiện khảo sát trong 19 năm qua với hơn 21.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 20-40 đã trải qua điều trị vô sinh bằng thụ tinh nhân tạo.

Kết quả cho thấy trong khoảng 13.600 người sử dụng thuốc kích thích rụng trứng mà không áp dụng phương pháp IVF, chỉ 1,7% số người này phát triển các tế bào ung thư vú.

Con số này ở những người áp dụng cả hai phương pháp trên là khoảng 2%.

Tuy nhiên, khi được phân thành nhóm theo độ tuổi, tỷ lệ này đã có sự thay đổi.

Những phụ nữ sử dụng thuốc kích thích rụng trứng và trải qua điều trị IVF trong độ tuổi 24, thì có tới 56% khả năng phát sinh tế bào ung thư so với những người cùng độ tuổi chỉ áp dụng phương pháp thứ nhất.

Trong khi đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy, không có nhiều nguy cơ cao mắc bệnh đối với nhóm phụ nữ ở độ tuổi trên 40 áp dụng và không áp dụng IVF cũng như sử dụng thuốc điều trị vô sinh.

Bà Stewart cho biết nhiều khả năng là do nhóm phụ nữ ở độ tuổi 20 thường sản sinh nội tiết tố estrogen cao hơn trong quá trình điều trị IVF. Việc phát triển tế bào ung thư vú có liên quan tới việc sản sinh estrogen, vì vậy, quá trình điều trị càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho biết nguy cơ này không lớn tới mức có thể khiến bạn phải hoảng loạn và lo lắng, đồng thời nhấn mạnh kết quả này chỉ dựa trên suy đoán vì dữ liệu nghiên cứu không bao gồm những nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ.

Kết quả hiện nay cần được tiếp tục xem xét và nghiên cứu trong thời gian tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục