Thủ tướng Ai Cập bổ nhiệm bộ trưởng tư pháp mới

Thủ tướng El-Beblawi đã bổ nhiệm thẩm phán Adel Abdel-Hamid làm Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ chuyển tiếp mới được thành lập.
Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập đưa tin ngày 21/7, Thủ tướng lâm thời nước này Hazem El-Beblawi đã bổ nhiệm thẩm phán Adel Abdel-Hamid làm Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ chuyển tiếp mới được thành lập.

Đây là vị trí mà ông Abdel-Hamid từng nắm giữ hồi năm ngoái trong chính phủ của cựu Thủ tướng Kamal al-Ganzouri ở thời gian quân đội tạm nắm quyền trước khi Tổng thống vừa bị phế truất Mohamed Morsi được bầu lên.

Trong tuyên bố đầu tiên với tư cách là tân Bộ trưởng Tư pháp, ông Abdel-Hamid nhấn mạnh Bộ Tư pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng luật, vốn cần thiết cho giai đoạn chuyển tiếp mà quốc gia Bắc Phi này đang trải qua.

Cùng ngày, các thành viên của Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) đã quyết định triệu tập một phiên họp trong ngày 22/7 tại một địa điểm biểu tình của phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi, bất chấp việc cơ quan này đã bị giải tán.

Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), cho biết Thượng viện sẽ triệu tập "phiên họp hợp pháp đầu tiên sau cuộc đảo chính" vào chiều 22/7 tại Quảng trường Rabaa Al-Adawiya ở quận Nasr City, nơi hàng nghìn Hồi giáo đang tham gia một cuộc biểu tình ngồi từ ngày 3/7 đòi phục chức cho ông Morsi.

Trước đó, ngày 5/7, Thượng viện do phe Hồi giáo kiểm soát đã bị Tổng thống lâm thời Atly Mansour ra lệnh giải tán sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ nhà lãnh đạo Hồi giáo này.

[Biểu tình và tuần hành vẫn rầm rộ trên khắp Ai Cập]

Cũng trong ngày 21/7, MB một lần nữa yêu cầu phục chức cho ông Morsi như một "lối thoát" giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Trong một tuyên bố, lực lượng này cho biết một khi được phục hồi chức vụ, ông Morsi sẽ khởi động một "sáng kiến cải cách," trong đó có việc tổ chức bầu cử Hạ viện, tiến hành sửa đổi Hiến pháp, ban hành quy tắc đạo đức của các cơ quan truyền thông, đồng thời tổ chức đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị nhằm thảo luận và tìm kiếm đồng thuận về các vấn đề còn bế tắc.

Trong khi đó, "Liên minh dân tộc Ủng hộ tính hợp pháp" - một tổ chức vừa được thành lập do MB dẫn đầu và quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo, ngày 21/7 đã tổ chức các cuộc tuần hành từ Quảng trường Rabaa Al-Adawiya tới tập trung trước trụ sở Bộ Quốc phòng và Hội đồng Nhân quyền Quốc gia nhằm phản đối vụ "sát hại" ba phụ nữ tham gia biểu tình ngày 19/7 tại tỉnh Mansoura. Tuy nhiên, các cuộc tuần hành này với hàng nghìn phụ nữ tham gia đã không tới đích do bị quân đội phong tỏa.

Ngoài ra, những người ủng hộ ông Morsi cũng tổ chức biểu tình tại thành phố Alexandria và các cuộc tuần hành tới Đại sứ quán của nhiều nước ở thủ đô Cairo nhằm đòi phục chức cho nhà lãnh đạo này.

Trong một diễn biến khác, Nội các lâm thời Ai Cập đã thông qua dự luật cải tổ Hội đồng Nhân quyền Quốc gia (NCHR), trong đó có nhiều thành viên ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi.

Theo hãng MENA, quyết định này được đưa ra sau khi các nhân viên của NCHR kêu gọi khôi phục tính "phi chính trị, phi đảng phái" của tổ chức này. Nội các Ai Cập cũng thông qua hai dự luật về tự do ngôn luận, trong đó bác bỏ quy định phạt tù đối với tội danh "xúc phạm tổng thống."

Cùng ngày, các tay súng không rõ danh tính đã thực hiện ba cuộc tấn công riêng rẽ nhằm vào một cơ quan phát thanh-truyền hình, trụ sở chính quyền và đồn cảnh sát tại tỉnh Bắc Sinai khiến hai binh sỹ và một cảnh sát thiệt mạng.

Kể từ cuộc đảo chính quân sự, lực lượng phiến quân Hồi giáo đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào cảnh sát và quân đội ở tỉnh Bắc Sinai. Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, ít nhất 11 nhân viên an ninh đã bị thiệt mạng tại khu vực bất ổn này kể từ ngày 3/7./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục